Bộ trưởng KHĐT giải trình về 44 chính sách đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh

Tất cả 44 chính sách dành riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh đều xoay quanh 3 nguyên tắc: Khơi thông và huy động nguồn lực; phân cấp, phân quyền và được phép rút gọn các quy trình, thủ tục.
Bộ trưởng KHĐT giải trình về 44 chính sách đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận chiều ngày 8/6 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định dự thảo được xây dựng theo tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản và cho phép thành phố được áp dụng những thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho thành phố phát triển đột phá.

Dự thảo có 44 chính sách và được chia thành 4 nhóm: Một là kế thừa những chính sách đang còn giá trị của Nghị quyết 54/2017/QH14; hai là một số cơ chế, chính sách mà các địa phương các áp dụng; ba là một số cơ chế, chính sách nằm ở các luật đang trình kỳ này như Luật Đất đai, Luật Nhà ở; bốn là các cơ chế, chính sách mới.

“Tôi cho rằng quan trọng nhất là các chính sách mới, gồm 27 chính sách được cân nhắc rất kỹ lưỡng và chọn lọc. Chúng tôi đã trao đổi rất kỹ và thống nhất rất cao với Thành phố Hồ Chí Minh cũng như là các bộ, ngành liên quan,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

[Cơ chế đặc thù giúp "đầu tàu" TP Hồ Chí Minh đi trước, hành động trước]

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo có tất cả 44 chính sách đều xoay quanh 3 nguyên tắc: Một là khơi thông và huy động nguồn lực; hai là phân cấp, phân quyền; ba là cho phép được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi và giảm thời gian.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định những nhóm chính sách đã được rà soát theo quan điểm nguyên tắc nêu trên, trong đó tập trung đề xuất các chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế, vừa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế của thành phố, vừa đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc bỏ quy định giới hạn 100 tỷ đồng đối với đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu tiếp thu và hoàn chỉnh, báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo hướng huy động nguồn lực phù hợp với đặc thù, đặc điểm của lĩnh vực y tế.

Với các ý kiến về thời hạn của nghị quyết, Bộ trưởng cũng cho hay nếu cần có thể kéo dài hơn để phù hợp với thời kỳ quy hoạch cho đến năm 2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng với thành phố, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nghiên cứu, nếu phù hợp và không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan khác thì sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xử lý và tiếp thu ý kiến này.

Đối với một số ý kiến cho rằng các chính sách còn quá nhiều, đang còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa đủ mạnh và đưa ra những gợi ý, đề xuất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục cùng thành phố và các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu, nhất là trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề mới thiết thực và phù hợp hơn, mạnh hơn thì sẽ báo cáo với Quốc hội.

Giải trình thêm về quá trình tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng một chương trình và có kế hoạch để triển khai thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết này.

Chính phủ cam kết sẽ giám sát và đồng hành, hỗ trợ thành phố, các bộ, các ngành sẽ tham gia cùng với thành phố để làm sao đưa nghị quyết này vào cuộc sống, phát huy được cao nhất và mang lại hiệu quả lớn nhất cho thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục