Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng này tại Nhật Bản có thể mang lại tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, song đây không phải là nơi gặp gỡ để đạt tới một “thỏa thuận cuối cùng."
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra ngày 11/6 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa hạ nhiệt.
Bất chấp những kỳ vọng của dư luận về triển vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể khởi động những nỗ lực giải quyết thế bế tắc hiện nay trong cuộc tranh chấp thương mại, phát biểu của ông Ross đã dập tắt những kỳ vọng về một thỏa thuận cuối cùng, mà theo ông là "sẽ dài hàng nghìn trang."
[Tổng thống Mỹ Trump hối thúc Trung Quốc thay đổi lập trường]
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Ross cho hay: “Tại G20, nhiều khả năng đó là sẽ là một dạng thỏa thuận về con đường tiến lên phía trước. Tất nhiên sẽ không phải là một thỏa thuận cuối cùng."
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cũng cho rằng cuối cùng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, nhấn mạnh "thậm chí những cuộc chiến tranh bằng súng đạn cũng đều kết thúc bằng thương lượng."
Ngoài ra, Bộ trưởng Ross cũng bảo vệ chính sách sử dụng thuế quan trong chiến lược thương mại của Mỹ khi cho rằng điều này mang lại những kết quả tốt đẹp, trong khi các thị trường tài chính lại phản ứng quá mạnh đối với các mối đe dọa áp thuế khác nhau.
Trước đó, trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đã viết rằng thuế quan là một "công cụ đàm phán tuyệt vời."
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong các ngày 28-29/6 tại Osaka trong bối cảnh Mỹ cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc.
Trong chuyến thăm Pháp hồi tuần trước, Tổng thống Trump cho hay ông sẽ quyết định liệu có thực hiện kế hoạch áp thuế trên hay không sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Với cuộc chiến thương mại bắt đầu cách đây hơn một năm, chính quyền Tổng thống Trump đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định căng thẳng thương mại, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, có thể kìm hãm hoạt động đầu tư, sản xuất cũng như đà tăng trưởng.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung Quốc, bao gồm những biện pháp đã được triển khai hồi năm ngoái, có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020. Con số thiệt hại tương đương khoảng 455 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Nam Phi./.