BoJ không tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới

BoJ không tung các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới dù lo ngại việc tăng thuế tiêu dùng sẽ tác động đà phục hồi của kinh tế nước này.
Tại cuộc họp trong hai ngày 3-4/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới dù có những lo ngại việc tăng thuế tiêu dùng sẽ tác động đến đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản và bế tắc ngân sách có thể gây ra tình trạng vỡ nợ ở Mỹ.

Sau cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách của BoJ đã đưa ra những đánh giá tích cực rằng kinh tế Nhật Bản vẫn phục hồi với tốc độ vừa phải trong khi các nền kinh tế khác đang trên đà tăng tốc, dù cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.

Cuộc họp của BoJ diễn ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng này công bố kết quả khảo sát Tankan cho thấy lòng tin kinh doanh ở Nhật Bản ở mức cao hơn năm năm trong ba tháng qua, một thông tin tốt lành cho nỗ lực hồi sinh nền kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Kết quả khảo sát trên được coi là cơ sở chính cho quyết định của ông Abe về thực hiện kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 8% từ mức 5% hiện nay kể từ tháng 4/2014. Kế hoạch này được xem là giải pháp căn bản để Nhật Bản hạ mức nợ công hiện cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của Thủ tướng.

Hiện cũng đang có những lo ngại gia tăng về khả năng bế tắc ngân sách ở Mỹ sẽ kéo dài đến giữa tháng này, khi Mỹ không còn tiền mặt để thanh toán nợ. Nếu trần nợ công không được nâng lên trước hạn chót là ngày 17/10, Mỹ sẽ vỡ nợ, điều mà Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói không chỉ là thảm họa với kinh tế nước này mà còn có ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda tin tưởng kinh tế Nhật Bản có thể chịu được bất kỳ tác động nào từ việc tăng thuế tiêu dùng.

Những phát biểu trước báo giới của ông Kuroda sau cuộc họp có thể sẽ giúp các nhà phân tích có cơ sở để dự đoán về các biện pháp kích thích mà BoJ sẽ áp dụng trong tương lai cũng như cách thức đối phó với những tác động đến từ Mỹ.

Nền kinh tế vốn trì trệ trong hai thập niên của Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 3,8% trong quý 2 vừa qua, vượt qua các nước khác trong nhóm nước công nghiệp phát triển (G7), nhờ chính phủ tăng cường chi tiêu để kích thích nền kinh tế và BoJ bơm tới 70.000 tỷ yen (720 tỷ USD) vào nền kinh tế mỗi năm./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục