BoK: Gia tăng khả năng kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm" trong năm nay

BoK nhận định nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong năm nay sẽ duy trì được đà tăng trưởng tập trung vào tiêu thụ nội địa làm gia tăng khả năng kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm."

Quang cảnh cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Quang cảnh cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 24/5 nhận định việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc (G2) duy trì được xu hướng tăng trưởng khả quan đang làm gia tăng khả năng kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm" trong năm nay.

BoK nhận định nền kinh tế G2 trong năm nay sẽ duy trì được đà tăng trưởng tập trung vào tiêu thụ nội địa, nhờ các chính sách tài khóa, phát triển công nghiệp của chính phủ mỗi nước.

Đối với nền kinh tế Mỹ, tiêu dùng tiếp tục gia tăng nhờ nhu cầu lao động tăng, cộng thêm sự hỗ trợ tài chính của chính quyền liên bang.

Đầu tư trang thiết bị cũng được kỳ vọng tăng trưởng nhờ chính sách phát triển công nghiệp của nước này.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù khó cải thiện về điều kiện xuất khẩu do mâu thuẫn thương mại với Mỹ, nhưng tiêu dùng tư nhân được dự báo sẽ hồi phục, đầu tư công nghệ cao gia tăng nhờ sự hỗ trợ chính sách của chính phủ.

BoK nhận định sự tăng trưởng của G2, trọng tâm là tiêu thụ nội địa, sẽ tác động tích cực trong ngắn hạn tới xuất khẩu của Hàn Quốc.

Sự mở rộng đầu tư của hai cường quốc ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc, trong khi quy chế xuất khẩu của Mỹ với Trung Quốc sẽ có lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc như chip bán dẫn, ôtô.

Tuy nhiên, nếu hiện tượng phân mảnh kinh tế Mỹ-Trung trở nên nghiêm trọng hơn, mức độ phụ thuộc vào sản xuất nội địa của mỗi nước lớn hơn, điều này sẽ dần ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của Hàn Quốc.

BoK cũng chỉ ra các yếu tố rủi ro tiềm tàng với hai nền kinh tế đứng đầu thế giới là thâm hụt tài khóa tăng mạnh và nợ chính phủ chồng chất sau đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục