Bốn tháng, xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm lên khoảng 5,17 tỉ USD, tăng 7,46% so cùng kỳ năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm lên khoảng 5,17 tỉ USD, tăng 7,46% so cùng kỳ năm trước.
 
Tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong những tháng đầu năm chủ yếu nhờ mặt hàng gạo và đây cũng là mặt hàng có nhiều dấu hiệu tốt trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
 
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo trong tháng 4 ước khoảng 750.000 tấn đạt giá trị 350 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 2,53 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,16 tỉ USD, tăng 51,27% về khối lượng và 42,47% về giá trị.
 
Philippines vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 45,38% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 36,42% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường tiêu thụ gạo đứng thứ hai và thứ ba là Malaysia và Iraq chỉ chiếm chưa tới 10% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 456 USD/tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (438 USD/tấn).
 
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện lúa đông xuân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã thu hoạch xong, giá lúa thu mua hiện khoảng 4.500 – 4.700 đồng/kg tùy theo chất lượng, địa phương. Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu loại 2, giá khoảng 5.700 – 5.720 đồng/kg tùy từng địa phương.

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 7.350 – 7.380 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.800 – 6.900 đồng/kg, gạo 25% tấm ở mức 6.300 đồng/kg.
 
Nhằm cải thiện được sức cạnh tranh và khả năng điều tiết mặt hàng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung vào đầu tư xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo hiện đại. Phương án này bao gồm: sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho cũ và xây mới các kho hiện đại và được tiến hành trong 3 năm, từ 2009-2011.
 
Tổng tích lượng các kho đầu tư mới là 2,8 triệu tấn với tổng kinh phí dự toán khoảng 7.000 tỷ đồng. Các kho này phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hiện đại, trang bị đồng bộ hệ thống sấy tháp, băng tải, đảo trộn và các thiết bị thông gió vận hành tự động, tập trung tại các vùng trọng điểm thuận tiện giao thông, gần cảng biển như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang.
 
Hiện nay, tổng tích lượng kho bảo quản lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,2 triệu tấn, nhưng hiệu suất sử dụng kho thấp, chỉ đạt khoảng 30%. Trong khi đó, ở những địa bàn cần thiết cho tiêu thụ và kinh doanh như: ga, cảng, đầu mối giao thông quan trọng lại thiếu kho, nhất là các loại kho lớn, được trang bị hiện đại.

Điều này đã gây tổn thất không nhỏ với ngành hàng lúa gạo trong suốt những năm vừa qua, đồng thời khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên tục bị động trước mọi diễn biến của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục