Bóng đá Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nóng

Đánh giá thực trạng hiện nay, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung cho rằng bóng đá Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nóng.
Trở về sau chuyến đi Hongkong, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Lân Trung đã dành cho phóng viên những nhận xét của mình về các vấn để hiện nay của bóng đá Việt Nam.

- Tuần qua dư luận quan tâm nhiều đến việc Công an Tiền Giang bắt giam rồi sau đó khởi tố vụ án cựu cầu thủ Hải Nhân Tiền Giang (Tiền Giang) Hồ Trúc Giang cá độ và bắt người trái pháp luật. Quan điểm của VFF như thế nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung: Về vấn đề này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nói rất rõ chính kiến của VFF là rất hoan nghênh Công an Tiền Giang xử lý rốt ráo vụ việc, góp phần lôi ra ánh sáng những cầu thủ tha hóa, biến chất trong đội bóng.

Qua đó, giúp cho bóng đá Tiền Giang thấy được những con sâu trong nội bộ của mình để từ đó chấn chỉnh và có những động thái tích cực củng cố đội tốt hơn.

Tôi chỉ có thể bổ sung thêm, bóng đá Tiền Gang không phải bây giờ mà từ một hai mùa qua đã có hiện tượng nội bộ lủng củng, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, công tác giáo dục đạo đức cho cầu thủ chưa được quan tâm thấu đáo.

Việc thay đổi huấn luyện viên liên tục cũng làm cho dấu ấn chuyên môn không có. Một số cầu thủ trụ cột nghi kỵ lẫn nhau trong vài trận, dẫn đến tinh thần sa sút, tâm lý bị ảnh hưởng. Chính vì thế khi cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra làm cho đội bóng mất đi sự ổn định.

Từ hiện tượng tin nhắn bán độ gây mất đoàn kết, làm suy yếu sức mạnh của đội đến vụ Hồ Trúc Giang cá độ khi bị thanh lý hợp đồng sau giai đoạn 1 cho thấy đạo đức của cầu thủ này rất kém, có thể dựa dẫm vào thế lực nào đó để chi phối người khác.

Chúng tôi nghĩ vấn đề của Tiền Giang không chỉ dừng lại ở những gì đã phát hiện mà cần tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ thêm. Không loại trừ sẽ còn có vài con sâu khác vẫn còn ẩn mình đâu đó trong đội bóng. Chỉ có làm kiên quyết và triệt để, bóng đá Tiền Giang mới lấy lại hình ảnh của mình và niềm tin nơi người hâm mộ.

- Có ý kiến cho rằng, từ vụ Tiền Giang xử lý chuyện cá độ, đánh bạc, nên chăng VFF cần chỉ đạo các câu lạc bộ khác trong thời gian qua có hiện tượng cầu thủ thi đấu sa sút, chơi không hết mình nên phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ để trong sạch hóa đội mình?

Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung: Không phải nhân vụ Tiền Giang mà từ lâu rồi, ngay hội nghị tổng kết mùa giải năm rồi và trước mùa giải năm nay, VFF nhiều lần đã kêu gọi các câu lạc bộ hãy quản lý đội của mình một cách chặt chẽ, có hiện tượng bất thường là phải phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ ngay.

Chúng tôi cũng đã có làm việc với ngành công an, có nhiều cuộc họp với lực lượng an ninh về phòng, chống các sự cố trong thi đấu bóng đá, đảm bảo ngăn ngừa tiêu cực. Trong đó đặc biệt lưu tâm đến vấn đề cá độ bóng đá.

Ngay trong thời gian diễn ra World Cup vừa rồi, khi các đội nghỉ khoảng 20 ngày, VFF cũng khuyến cáo, nhắc nhở các đội tổ chức cho huấn luyện viên, cầu thủ của mình xem, học hỏi. Ngoài ra, vẫn tập luyện bình thường để thi đấu tốt trong chặng nước rút, tránh sa đà vào những chuyện bên ngoài và phải cảnh giác với hiện tượng cá độ.

Đội nào làm tốt, thành tích sau World Cup thấy rõ, còn đội nào có những biểu hiện lỏng lẻo về quản lý thì kết quả cũng thấy rõ. Thế nên, tự bản thân các đội phải ý thức được chuyện đó để làm “sạch” đội của mình. Họ không lên tiếng hoặc bản thân sự phối hợp giữa cơ quan điều tra tại địa phương với câu lạc bộ đó chưa tốt thì làm sao lôi ra ánh sáng những vết đen trong từng câu lạc bộ.

- Về việc VFF có thông báo số 19, nhiều người cho rằng đây là cách giải cứu Navibank Sài Gòn khỏi xuống hạng?

Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung: Vấn đề chuyên nghiệp hóa các câu lạc bộ, AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á- PV) yêu cầu từ 2 năm nay rồi, nhưng do điều kiện hoàn cảnh thực tế của bóng đá Việt Nam nên chúng tôi có đề nghị một giai đoạn quá độ, chuyển đổi từ từ.

Câu lạc bộ nào đủ tiềm lực tiến hành cơ chế doanh nghiệp hóa thì làm trước, câu lạc bộ nào chưa đủ điều kiện thì cố gắng làm dứt điểm trước năm 2010. Đến đầu năm này AFC nhắc nhở liên tục, chúng tôi đã ra thời hạn yêu cầu tất cả các đội phải dứt điểm việc chuyển sang mô hình chuyên nghiệp với cái mốc cuối cùng là 31/8.

Tính đến nay đã có 11 đội V-League và 8 đội hạng Nhất chuyển đổi. Những đội V-League còn lại nếu không chuyển đổi trước 31/8 sẽ bị đánh rớt hạng. Những đội hạng Nhất, nếu không chuyển đổi đủ số lượng đội chuyên nghiệp thi đấu giải hạng Nhất thì số đội được thăng hạng sẽ không quá 2 đội.

Do vậy nếu căn cứ vào tiêu chí đó, 3 đội Cao su Đồng Tháp, Lam Sơn Thanh Hóa và Megastar Nam Định nếu không làm kịp đương nhiên sẽ rớt hạng cho dù họ có xếp thứ hạng cao.

Tương tự, ở giải hạng Nhất nếu không đủ chuẩn số đội chuyên nghiệp thì chỉ có 1 đội lên hạng chính thức và đội còn lại đi play off. Do vậy mọi chuyện phải chờ đến 31/8. Tôi khẳng định điều này đã được quyết định từ trước chứ không phải nhằm mục đích cứu Navibank Sài Gòn, hay bất cứ đội nào khác.

- Gần đây có hiện tượng nhiều đội bóng tự thua, rồi VFF xử lý không mạnh tay trước tình trạng đốt pháo sáng khiến dư luận bất bình, ý kiến ông thế nào?

Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung: Đội bóng tự thua là một cách nói khi nội bộ đội đó có vấn đề. Tôi nghĩ bản thân từng đội phải mổ xẻ. Hơn thế, khi chúng ta đang sống trong thế giới phẳng thì bóng đá giờ đây có sức thu hút ghê gớm.

Việc cầu thủ trở thành món hàng để mua bán cũng là chuyện bình thường. Đội nào có tiềm lực tất nhiên cầu thủ sẽ chạy về. Bản thân các đội phải siết kỷ luật và phải có sự đãi ngộ tốt hơn nữa, may ra mới giữ chân họ và củng cố được hình ảnh của đội.

Còn chuyện đốt pháo sáng, chúng tôi đã vận dụng tất cả những gì quy định trong điều lệ giải, cũng như quy chế xử lý kỷ luật để xử lý. Nhưng đúng là sân Hải Phòng liên tục để xảy ra là tình trạng không hay, xử như thế chưa ăn thua. Bóng đá Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề nóng bỏng mà chỉ có sau giải, chúng tôi sẽ phải bổ sung thêm các văn bản cho hoàn chỉnh để sau này xử lý rốt ráo hơn./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục