"Bóng ma" ở EURO

Bóng ma quá khứ và hiện tại ám ảnh EURO 2012

Những vấn đề chính trị đang thực sự khiến các giới chức đau đầu ở EURO 2012, đặc biệt là trước trận đấu giữa Nga và Ba Lan đêm nay.
Nước đồng chủ nhà EURO 2012 Ukraine đã liên tục khẳng định rằng thể thao và chính trị không lẫn lộn với nhau, trong bối cảnh có những lời đe dọa từ các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo khả năng tẩy chay các trận đấu diễn ra tại đây để phản đối việc bỏ tù một nhà lãnh đạo phe đối lập. Nhưng lịch sử và địa chính trị là đặc điểm không thể tách rời khỏi giải đấu. Các vấn đề hiện nay cũng không vắng mặt, bởi một lượng lớn trong số 16 quốc gia cử đội bóng tham gia tranh giải đang nằm trong cuộc khủng hoảng nợ thuộc Eurozone, bao gồm đương kim vô địch Tây Ban Nha. Trách nhiệm của các cầu thủ, vì thế sẽ càng nặng nề hơn, khi họ phải mang trở lại nụ cười trên gương mặt các đồng bào. Các trận đấu giữa Ba Lan và Nga luôn kịch tính hơn cả do mối ác cảm giữa đôi bên trải dài từ tận thời các Sa hoàng cho tới tận giai đoạn Liên Xô cũ, càng tăng lên khi nhà lãnh đạo Vladimir Putin trở lại Kremlin.Tuy nhiên ngôn ngữ mà một số chính trị gia và báo chí sử dụng, đặc biệt là tại Ba Lan, đã khiến một số ít người nghi ngờ việc di sản để lại từ giai đoạn Liên Xô cũ sẽ có tác động gây sức ép nào đó. Cầu thủ Ba Lan Kamil Gronicki đã tổng kết bầu không khí chung bằng phát biểu trước trận đấu giữa Ba Lan và Nga vào đêm nay: "Chúng ta đều biết một trận đấu chống lại người Nga có nghĩa gì. Đó là một trong các trận đấu - chống lại đội Nga hoặc đội Đức - mà anh phải phơi bày ruột gan trên sân cỏ" - anh nói với các phóng viên. Giải vô địch các quốc gia châu Âu đã phát triển rất nhiều so với giai đoạn khi một số đội bóng từ chối tham gia tranh giải vì các lý do về ý thức hệ hoặc địa chính trị.

[UEFA dọa trừng phạt các cổ động viên quá khích của Nga]
Năm 1960, nhà độc tài Francisco Franco đã rút tuyển Tây Ban Nha về nước vì họ phải chơi bóng trên sân của Liên Xô trong trận tứ kết, dù rằng ông lại chẳng có ý kiến gì 4 năm sau đó, khi 2 đội lại gặp nhau trong trận chung kết ở Madrid. Lần đó Tây Ban Nha thắng với tỉ số 2-1. Đức là một trong số các đội bóng được ưa thích của giải đấu. Nhưng với nhiều người Ba Lan hiện nay, họ vẫn còn nhớ các hành động diệt chủng do chính quyền Đức quốc xã tiến hành trên đất Ba Lan trong Thế chiến thứ 2. Tội ác của phát xít Đức chống lại người Ba Lan, không liên quan nhiều tới việc chiếm đóng, mà hội tụ quanh các trại tập trung và trại tiêu diệt nằm ở Auschwitz-Birkenau, phía Nam Ba Lan, nơi 1,3 triệu người trên khắp châu Âu đã bỏ mạng, phần lớn là dân Do Thái. Trong bối cảnh đó, việc một đoàn đại biểu từ Liên đoàn bóng đá Đức, gồm các cầu thủ gốc Ba Lan Lukas Podolski và Miroslav Klose, tới thăm trại tập trung Auschwitz trước giải đấu, đã mang ý nghĩa biểu tượng khá mạnh.
Bóng ma quá khứ và hiện tại ám ảnh EURO 2012 ảnh 1
Các cầu thủ Đức thăm trại tập trung Auschwitz (Nguồn: Getty Images)

Những ám ảnh tương tự, nhưng ít nổi tiếng hơn, có thể sẽ xuất hiện nếu như Đức lọt vào vòng chung kết diễn ra ở thủ đô Kiev của Ukraina. Đây là nơi đã hứng chịu thiệt hại to lớn trong Thế chiến thứ 2 và đã bị lính phát xít Đức chiếm đóng. Ukraina cũng là nơi diễn ra một số vụ thảm sát tồi tệ nhất ở mặt trận phía Đông, nơi gần 34.000 người Do Thái bị giết chỉ trong một ngày tại trận chiến Babi Yar hồi năm 1941, để trả đũa một cuộc tấn công của quân đội Liên Xô vào các cơ sở quân sự và dân sự Đức ở Kiev. Nước đồng chủ nhà Ukraina có thể không còn là một phần của Liên Xô, nhưng nó khó có thể giải thoát bản thân khỏi xiềng xích của lịch sử. Tuần trước, một phóng viên AFP có mặt ở thành phố Lviv, nơi tổ chức các trận đấu EURO 2012, đã chứng kiến một cuộc biểu tình của những người muốn chống lại nỗ lực của chính phủ trong việc đưa tiếng Nga thành ngôn ngữ chính thức.
Bóng ma quá khứ và hiện tại ám ảnh EURO 2012 ảnh 2
Chủ tịch LĐBĐ Nga Sergei Fursenko và HLV Dick Advocaat tới đặt hoa tưởng niệm cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski (Nguồn: Reuters)
Một nhóm nữ quyền nổi tiếng vì các hành động phơi ngực trước đám đông cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình gây nhiều chú ý để nói về vấn đề nhân quyền tại Ukraina. Ngoài ra, người hâm mộ của Nga đang đối mặt với án phạt của UEFA vì đã phất cờ của nhóm cực hữu "Russian Empire" trong một trận đấu. Lá cờ đế chế Nga được xem là hình ảnh gây hấn tại một vài quốc gia Đông Âu, vốn nằm trong Liên Xô cũ. Trong chuyến thăm Auschwitz, lãnh đạo liên đoàn bóng đá Đức đã nhắc lại câu nói của cựu Tổng thống Đức Richard von Weizsaecker rằng: "Kẻ nào nhắm mắt với quá khứ, họ sẽ bị mù trong thực tại". Rõ ràng trong EURO 2012, đối mặt với quá khứ là điều khó có thể tránh khỏi./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục