Ngày 24/7, chính phủ Brazil đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế, theo đó sẽ "bơm" 11,2 tỷ USD vào nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh có xu hướng chững lại này. Một phần khoản kinh phí này được trích từ Quỹ An sinh xã hội.
Theo Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, đây là biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ người dân và nền kinh tế đất nước. Số tiền được bổ sung sẽ hỗ trợ khoảng 63 triệu người dân đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu tiền để trang trải cuộc sống.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy 35% người lao động tại thành phố Rio de Janeiro có kế hoạch sử dụng khoản tiền trên để chỉ trả nợ. Ngoài ra, khoảng 96 triệu người lao động cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.
Theo đó, những người lao động được phép rút 133 USD trong năm nay, và một khoản tiền nhất định trong năm 2020 từ Quỹ Trợ cấp thời gian làm việc (FGTS) do các nhà tuyển dụng lao động chi.
[Brazil đối mặt nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật]
Thông thường, người lao động chỉ được phép sử dụng khoản tiền trên trong một số trường hợp nhất định như mất việc, mua nhà hay nghỉ hưu. Đây là lần thứ hai trong nhiều năm qua Brazil cho phép người dân rút tiền từ quỹ trợ cấp trên.
Bên cạnh hỗ trợ người dân tài chính để chi trả sinh hoạt phí, gói kích thích kinh tế được dự kiến sẽ giúp đóng góp 2,5% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trong hơn 10 năm tới cũng như giúp tạo 3 triệu việc làm.
Brazil đang đứng bên bờ vực suy thoái trong khi phải vật lộn để hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2015-2016 - thời điểm tăng trưởng của nước này giảm gần 7%.
Trong quý đầu tiên của năm 2019, kinh tế Brazil suy giảm 0,2% trong khi các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 của nước này sẽ dưới mức 1%. Khoảng 13 triệu người lao động hiện đang thất nghiệp.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 23/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Brazil xuống còn 0,8% so với mức dự đoán trước đó./.