Brexit: Châu Âu nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro an ninh

Giới phân tích lo ngại EU sẽ đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về an ninh khi Anh chính thức rút khỏi EU vào ngày 29/3/2019, ngay cả khi cuộc chia ly này diễn ra theo kịch bản “êm ái” nhất.
Brexit: Châu Âu nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro an ninh ảnh 1Binh sỹ Anh. (Nguồn: Defenceimagery.mod.uk)

Theo trang mạng washingtonpost.com, những người Anh bỏ phiếu để đưa quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không phải vì họ muốn để những kẻ khủng bố và buôn lậu dễ dàng hoành hành dọc Kênh đào Anh. Họ cũng không ủng hộ cho việc nới lỏng các đòn trừng phạt với Nga hay cắt giảm chi tiêu quân sự.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và giới phân tích lo ngại rằng vấn đề an ninh sẽ đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng khi Anh chính thức rút khỏi EU vào ngày 29/3/2019, ngay cả khi cuộc chia ly này diễn ra theo một kịch bản “êm ái” nhất.

Malcolm Chalmers, làm việc tại Viện Thống nhất Hoàng gia Anh - một viện nghiên cứu chính sách an ninh và kinh tế tại London - bình luận: “Điều mà Anh cần làm là hạn chế đối đa những rủi ro an ninh.”

Ngay sau cuộc bỏ phiếu về Brexit vào tháng 6/2016, các nhà lãnh đạo Anh đã nhấn mạnh rằng việc rời khỏi EU không đồng nghĩa với việc họ muốn từ bỏ châu Âu.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng nói rằng bà sẽ không dùng sức mạnh quân sự hay các chiến dịch tình báo của Anh trên thế giới làm chiêu bài gây áp lực trong các cuộc đàm phán với Brussels.

Anh tái cam kết việc tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh an ninh có sự hiện diện của hầu hết các thành viên EU, trong khi các nhà lập pháp Anh cũng tìm cách vận dụng phù hợp các nguyên tắc của liên minh này để giữ nguyên phần lớn hiện trạng nhiều cuộc thảo luận an ninh.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu - trong đó có trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier - cho rằng Anh không thể đơn giản cứ cho rằng vấn đề Brexit không bao trùm cả lĩnh vực an ninh, và rằng việc rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh sẽ mất đi các quyền lợi của mình.

Ông Barnier nói: “Nếu họ rời khỏi hệ sinh thái này, họ sẽ mất những quyền lợi trong mối quan hệ hợp tác. Họ là một nước thứ 3 bởi họ lựa chọn điều đó, và họ phải thiết lập một mối quan hệ mới.”

[Năm 2018 - ngổn ngang lộ trình rời khỏi EU của nước Anh]

Brexit sẽ tác động tới toàn bộ mối quan hệ an ninh, song ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất sẽ là trên khía cạnh hành pháp và hợp tác chống khủng bố. Hiện các quan chức an ninh và chống khủng bố vẫn có quyền truy cập kho dữ liệu của EU để kiểm soát các công dân xuất nhập cảnh và tại các trạm giao thông.

Giới chức an ninh châu Âu rất coi trọng việc chia sẻ thông tin này, một việc làm cực kỳ hữu ích, đặc biệt là sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố năm 2015, và là yếu tố góp phần quan trọng trong việc đập tan nhiều âm mưu tấn công mới.

Các nhà lãnh đạo Anh nói rằng họ muốn duy trì cơ chế này ngay cả sau Brexit. Tuy nhiên, các cơ quan hành pháp EU cho biết dù rất muốn hợp tác, song họ có nguy cơ vi phạm luật pháp nếu chia sẻ quá nhiều thông tin với một quốc gia không phải thành viên.

Một lượng lớn dữ liệu về các công dân EU chỉ được phép chia sẻ với các nước thành viên của khối, một phần bởi EU có một loạt quy tắc về quyền riêng tư và quyền sử dụng thông tin.

Khi London rút khỏi các cơ chế chung, giới hành pháp EU cho biết nguồn dữ liệu đóng góp của Anh đối với liên minh sẽ bị cắt đứt, và Anh cũng không còn được tiếp cận nguồn dữ liệu chung.

Anh nhiều khả năng sẽ phải yêu cầu tiếp cận dữ liệu đối với từng trường hợp cụ thể, một chuỗi thủ tục phức tạp và mất thời gian hơn nhiều so với việc truy cập trực tiếp như hiện nay.

Những gì EU sẵn sàng chia sẻ có thể sẽ dần hạn chế theo thời gian. Anh muốn rời EU để giành được thêm chủ quyền đối với các chính sách của riêng mình, điều khiến nhiều người châu Âu lo ngại rằng rằng mọi chuyện sẽ sớm chệch đi theo hướng nảy sinh các quy định mới về dữ liệu.

Hơn thế nữa, với các thay đổi về công nghệ, sẽ có những quyết định mới được đưa ra về việc làm thế nào để cân bằng quyền tự do của công dân và an ninh.

Cũng có khả năng hai cựu đối tác sẽ ngày càng xa cách hơn. Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok nói: “Ý định cơ bản của cả EU và Anh là càng đồng bộ với nhau càng nhiều càng tốt sau cuộc chia ly vì lợi ích của người dân. Tuy nhiên, chắc chắn Brexit sẽ làm phức tạp hóa mọi thứ.”

Brexit nhiều khả năng cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự thống nhất của châu Âu trong các vấn đề quốc tế. Anh - một cường quốc hạt nhân và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - từ lâu vẫn có những ảnh hưởng rất lớn trong việc quyết định vai trò của châu Âu trên trường quốc tế.

Các nhà ngoại giao Anh thậm chí còn nói rằng họ chịu trách nhiệm về khoảng 2/3 khối lượng công việc liên quan tới các chính sách trừng phạt của EU.

Anh sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, song các quan chức của quốc gia này sẽ không có mặt trong phòng họp khi EU đưa ra các quyết định liên quan đến trừng phạt.

Điều đó đồng nghĩa với việc trong một số trường hợp EU có thể sẽ đưa ra một quan điểm mềm mỏng hơn, và các cơ chế trừng phạt có thể sẽ không còn hiệu quả khi thiếu sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ Anh cùng EU.

London sẽ tìm cách theo kịp các cuộc đàm phán của EU bằng cách đưa các nhà ngoại giao có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tới các Đại sứ quán tại Berlin, Paris và Brussels.

Tuy nhiên, các nỗ lực vận động hành lang có thể sẽ không có nhiều tác động và thực tế là một số nhà ngoại giao cho biết Anh gần đây không còn được giữ thế chủ động trong các cuộc thảo luận về lệnh trừng phạt.

Chính phủ của Thủ tướng May từng cảnh báo rằng việc hợp tác sẽ trở nên khó khăn hơn nếu Anh ra đi mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, một kịch bản ngày càng có nhiều khả năng diễn ra khi thời hạn 29/3/2019 đang tới gần và đề xuất của Thủ tướng Anh về Brexit không được nhiều người ủng hộ.

Rob Wainwright, cựu Giám đốc Europol, phát biểu trước một hội đồng lập pháp Anh: “Tác động từ sự ra đi của Anh sẽ rất lớn nếu người ta không kiểm soát nó. Đúng theo nghĩa đen, cuộc sống của người dân sẽ phụ thuộc vào điều này.”

Chi tiêu quân sự của Anh từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit đã tăng, song những tác động đối với lĩnh vực kinh tế từ Brexit sẽ khiến các khoản chi cho xe tăng và quân đội buộc phải thu hẹp.

Ảnh hưởng của Brexit trên khía cạnh an ninh có thể được đánh giá thông qua những gì diễn ra với các kẻ thù của châu Âu. Nhanh chóng nắm bắt cơ hội, những lực lượng thù địch này đang tìm cách thúc đẩy một cuộc chia ly gập ghềnh nhất có thể.

Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Thủ tướng May “phải hiện thực hóa ý chí của người dân, điều đã được phản ánh qua cuộc trưng cầu ý dân, bằng không cuộc bỏ phiếu rõ ràng chỉ là vô nghĩa.”

Nhắc đến các đề xuất về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai để tái khẳng định mong muốn rời bỏ EU của Anh, ông nói: “Liệu đó có phải dân chủ hay không?”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục