Bức tranh kinh tế Bình Thuận 6 tháng năm 2023: Nhiều điểm sáng

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 06 tháng đầu năm 2023 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 11 trên cả nước.
Bức tranh kinh tế Bình Thuận 6 tháng năm 2023: Nhiều điểm sáng ảnh 1Phân loại trái thanh long ở Bình Thuận trước khi mang đi tiêu thụ. (Nguồn: TTXVN)

Tổng sản phẩm nội tỉnh, du lịch, dịch vụ và vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng năm 2023 của tỉnh Bình Thuận.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 11 trên cả nước.

Về cơ cấu kinh tế trong GRDP 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,31%; khu vực dịch vụ chiếm 33,64%.

Đáng chú ý, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 là 13,64% so với cùng kỳ, trong đó: bán buôn và bán lẻ tăng 14,72%; ngành vận tải kho bãi tăng 13,84%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 32,22%.

Số liệu thống kê trên cho thấy động lực chính trong tăng trưởng 6 tháng đầu năm chính là khu vực dịch vụ. Đồng thời, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Phân tích về sự đóng góp của khu vực dịch vụ vào sự tăng trưởng GRDP, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận Phạm Quốc Hùng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh diễn ra khá nhộn nhịp do đây là năm Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với nhiều hoạt động, sự kiện du lịch, thu hút đông đảo du khách.

[Bình Thuận: Kinh tế phục hồi trên 3 trụ cột, du lịch phát triển mạnh]

Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành, khai thác 02 tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Phan Thiết-Vĩnh Hảo và tăng thêm một số tuyến tàu cao tốc đi Phan Thiết-Phú Quý, đã làm gia tăng lượng khách du lịch đến với Bình Thuận trong 06 tháng đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 4,46 triệu lượt khách, tăng 86,36% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế ước đạt 133.900 lượt khách, tăng 5,41 lần so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2.547,8 tỷ đồng, tăng 76,29% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 11.348,35 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so với cùng kỳ.

Bức tranh kinh tế Bình Thuận 6 tháng năm 2023: Nhiều điểm sáng ảnh 2Bãi biển ở Bình Thuận tấp nập du khách. (Ảnh: Hồng Hiếu/Vietnam+)

Cũng trong 6 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn ước tăng 3,54% so với cùng kỳ, đây là mức tăng khá thấp so với mọi năm, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,35%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,92%; ngành công nghiệp và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,33%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 06 tháng đầu năm 2023 ước đạt 44.681,5 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 28.634,1 tỷ đồng, tăng 19,74%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 16.047,4 tỷ đồng, tăng 65,52%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,56% so với tháng trước, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 06 tháng đầu năm 2023 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 06 tháng đầu năm 2023 ước đạt 330,7 triệu USD, giảm 16,92% so với cùng kỳ năm trước. Đối với kim ngạch nhập khẩu, con số này là 530,7 triệu USD, giảm 18,12% so với cùng kỳ.

Về tình hình đăng ký kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, có 334 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 20,29% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 3.929,48 tỷ đồng, giảm 14,74% so với cùng kỳ năm trước; có 111 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 20,71%; 266 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 13,68%; 668 doanh nghiệp đăng ký thay đổi loại hình, tăng 28,96%; 51 doanh nghiệp giải thể, giảm 10,53%.

Đây là lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gần bằng số lượng doanh nghiệp rút lui và giải thể. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường.

Yếu tố này cũng có thể được thấy rõ thông qua số liệu thu ngân sách nhà nước 06 tháng đầu năm 2023. 06 tháng đầu năm 2023, ước thu 5.154,85 tỷ đồng, đạt 51,52% dự toán năm và giảm 21,78% so với cùng kỳ.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu sụt giảm do tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia đã khiến cho số thu ngân sách giảm mạnh so với mọi năm.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 06 tháng đầu năm 2023 đạt 18.504,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.545,6 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ, chiếm 19,2% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 13.774,5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.184,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm 6,4% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn.

Đây được xem là điểm sáng về động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2023.

Có được kết quả tích cực trên, ngay từ đầu năm, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, dự án có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B); kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm); hồ chứa nước Ka Pét; Cảng Hàng không Phan Thiết; đường liên huyện dọc tuyến kênh chính qua các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong.

Đến đầu tháng 6, toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.292 tỷ đồng (đạt 26,54% kế hoạch).

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 13 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 642 tỷ đồng; 13 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn điều chỉnh tăng là 5.803 tỷ đồng; 2 dự án đưa vào hoạt động.

Để đạt được mục tiêu kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông-lâm-thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị huy động các nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đầu tư công; tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình trọng điểm.

Các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nghỉ dưỡng và khu vui chơi-giải trí cao cấp từ những nhà đầu tư chiến lược để đầu tư, phát triển Bình Thuận trở thành điểm đến ưa chuộng của đông đảo du khách quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục