Nguyên nhân và giải pháp đã được các chuyên gia ngành chỉ ra. Thế nhưng nhiều năm qua, chuyện đâu vẫn đóng đấy…
"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Theo “Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 sản xuất đến 15-18 triệu tấn thép; trong đó có từ 8-10 triệu tấn thép dẹt, 7-8 triệu tấn thép dài, để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Điều này có nghĩa rằng với tổng công suất các nhà máy thép của Việt Nam, tính đến hết năm 2009 đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, ngành thép chỉ cần đầu tư đạt công suất tối đa 10 triệu tấn/năm là phù hợp.
Chỉ cần đầu tư xây dựng hai nhà máy liên hợp với công suất 5 triệu tấn/năm là cân đối đủ cung-cầu theo quy hoạch phát triển ngành. Thế nhưng theo các chuyên gia Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), sự bùng nổ đầu tư vào ngành thép ở Việt Nam, đặc biệt là trong hai năm 2007-2008 đã bị quá đà.
Rà soát của Bộ Công Thương trong năm 2009, phản ánh, xuất hiện hàng chục dự án nằm ngoài quy hoạch, trong đó có 24 dự án do địa phương cấp phép đầu tư vượt thẩm quyền.
Việc cấp phép đầu tư thép tràn lan khiến chỉ riêng tổng công suất thiết kế của các dự án ngoài quy hoạch này đã lên tới 60 triệu tấn/năm. Có doanh nghiệp Việt Nam, chỉ trong vòng hai tháng đã ký với hai đối tác nước ngoài để xây dựng hai nhà máy liên hợp với công suất từ 5-10 triệu tấn/năm.
Và những cảnh báo hệ lụy
Trước hiện tượng bùng nổ đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam, các chuyên gia của ngành đều tỏ ra lo ngại.
Trước hết, việc có quá nhiều dự án nằm ngoài quy hoạch và lại đặt trên cùng một địa điểm sẽ gây ra sự chồng chéo, dư thừa công suất, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp nói riêng và ngành thép nói chung.
Thứ hai, thị trường tiêu thụ thép tại Việt Nam và các nước trong khu vực còn hạn chế, nếu các dự án quy mô lớn đi vào sản xuất sẽ khiến cung vượt gấp ba lần cầu, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt và có thể đưa nhiều nhà máy đến phá sản.
Thứ ba, việc đầu tư vượt quy hoạch của ngành thép đang làm mất cân đối trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường ở các địa phương như năng lượng (điện), hạ tầng cơ sở (cảng biển, đường bộ, đường sắt), ô nhiễm môi trường (khí, bụi, nước thải…).
Cuối cùng, việc có quá nhiều dự án thép sẽ chiếm nhiều diện tích đất đai nông nghiệp. Hiện tại, mỗi khu liên hợp thép chiếm từ 1.000-3.000ha, chưa kể diện tích các cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều dự án lớn đã triển khai chậm tiến độ từ ba đến năm năm. Có dự án đã đổi chủ đầu tư đến lần thứ tư mà vẫn chưa triển khai xong giai đoạn 1. Hiện tượng này đang làm lãng phí và thiệt hại lớn đối với nền kinh tế do đất nông nghiệp bị chiếm dụng, bỏ hoang.
"Chiến trường"... thép
Theo Hiệp hội Thép Việt nam (VSA), sau ba năm triển khai theo quy hoạch, nhưng do buông lỏng quản lý (chủ yếu do các địa phương cấp phép), đã dẫn đến hiện tượng đầu tư tràn lan trong ngành thép, cung vượt xa cầu. Hậu quả là hai năm nay, các doanh nghiệp thép của Việt Nam phải cạnh tranh nhau khốc liệt.
Thống kê của VSA cho biết, tính đến nay, công suất sản xuất thép cho kết cấu bêtông (thép xây dựng) của Việt Nam đã đạt 8,5 triệu tấn/năm và năng lực sản xuất thực đã đạt 5,5 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu hiện tại mới đạt trên dưới 4 triệu tấn/năm.
Sản xuất thép ống đã đạt 1,9 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ mới ở mức một triệu tấn/năm. Thép cuộn cán nguội (thép lá) cũng đã đạt 2,7 triệu tấn/năm, tiêu thụ chỉ một triệu tấn/năm. Tôn mạ, phủ màu (dùng cho lợp mái) sản xuất đạt 1,750 triệu tấn, trong khi tiêu thụ là 1,2 triệu tấn…
Trước thực trạng cung vượt cầu xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực từ thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn đến tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam không những đang phải cạnh tranh nhau gay gắt trên thị trường nội địa bằng việc giảm giá, mà còn luôn phải lo ngay ngáy vì thép ngoại rình rập tràn vào nếu chớm tăng giá.
Trên thực tế, sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã diễn ra gần hai năm nay. Năm 2009, các doanh nghiệp thép phải bán thép dưới giá thành để tồn tại. Và lần gần đây nhất là tháng Sáu vừa qua, các doanh nghiệp lại phải chịu lỗ khi bán thép xây dựng (dưới 12 triệu đồng/tấn) do biến động giá phôi trên thị trường thế giới, sức cầu trong nước và áp lực trả lãi vay vốn…
Việc có lúc bị bán dưới giá thành, có lúc lại tăng chóng mặt do biến động của giá phôi thế giới và tỉ giá USD/VND khiến giá thép trồi sụt thất thường, tác động tiêu cực tới thị trường chung.
Cho đến nay, chủng loại thép mà Việt Nam vẫn thiếu là thép cho sản xuất công nghiệp như các loại thép hợp kim, thép không gỉ dùng cho chế tạo cơ khí (máy móc, đóng tàu) và thép tấm cán nóng (làm nguyên liệu cho cán nguội).
Theo VSA, phải chờ khoảng bốn năm nữa, khi các liên hợp sản xuất thép của Việt Nam đi vào hoạt động, mới sản xuất được thép công nghiệp.
Một số dự án thép tiêu biểu về công suất lớn đang có hiệu lực đầu tư tại Việt Nam: - Dự án Tycoon-E, United tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm. - Dự án Nhà máy thép Liên hợp Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, công suất 4 triệu tấn/năm, do Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) và Tập đoàn Vinashin liên danh. - Dự án Nhà máy thép Liên hợp Hà Tĩnh, công suất 4,5 triệu tấn, do liên danh giữa Tập đoàn TATA (Ấn Độ) với Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Ximăng Việt Nam. - Dự án Nhà máy thép Liên hợp và Cảng nước sâu Hà Tĩnh, công suất 7,5 triệu tấn, 100% vốn nước ngoài do sáu công ty của Đài Loan góp vốn. - Dự án Nhà máy thép Liên hợp Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, công suất 14,42 triệu tấn/năm, do Lion Group (Malaysia) và Vinashin liên danh. - Dự án Nhà máy thép cao cấp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công suất 10 triệu tấn/năm, 100% vốn của Công ty FERO (Trung Quốc) - Hai dự án thép cán nóng và cán nguội khu Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, có tổng công suất 5 triệu tấn/năm. - Dự án Nhà máy Gang thép, Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, công suất 3 triệu tấn/năm. |