Bước chuyển đất nước sau khi thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc

60 năm trôi qua kể khi thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc, miền Bắc từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương ổn định, đưa đất nước đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Bước chuyển đất nước sau khi thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc ảnh 1Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào khu trung tâm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

60 năm trước, ngày 16/5/1955, tên lính thực dân Pháp cuối cùng đã rút khỏi đảo Cát Bà (Hải Phòng), điểm rút cuối cùng trên miền Bắc Việt Nam. Kể từ đó, Hải Phòng nói riêng và miền Bắc dần dần được củng cố, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương ổn định, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa đất nước đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc. Với thiện chí hòa bình và thái độ kiên quyết đấu tranh có tình có lý của phái đoàn ta, cùng với những thắng lợi vang dội trên chiến trường đã thúc đẩy Hội nghị tiến triển.

Ngày 20/7/1954, Hội nghị đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Geneva. Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương và tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị của các nước Đông Dương.

Ngày 10/10/1954, tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội.

Ngày 1/1/1955, nhân dân Thủ đô đã tiến hành cuộc míttinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô. Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 16/5/1955, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi đảo Cát Bà (Hải Phòng), miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Ngay sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Hội nghị lần thứ bảy tháng 3/1955 và lần tám tháng 8/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 2) đã nhận định Mỹ và tay sai đã hất cẳng Pháp ở miền Nam, chống phá Hiệp định Geneva, đàn áp phong trào cách mạng. Muốn chống đế quốc Mỹ và tay sai, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, điều cốt lỗi là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.

Tuy nhiên, miền Bắc bước vào khôi phục kinh tế với muôn vàn khó khăn. 143.000ha đất bị bỏ hoang, hàng trăm ngàn gia đình không có nhà ở, hàng chục vạn người không có việc làm, nhiều tệ nạn xã hội cũ để lại còn hoành hành, phần lớn xí nghiệp ngừng hoạt động, hàng hóa khan hiếm.

Để củng cố miền Bắc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ trước hết cần hoàn thành cải cách ruộng đất cho nông dân, xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, đưa miền Bắc tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, kiện toàn lãnh đạo các cấp và củng cố Mặt trận Liên Việt. Hội nghị đã đề ra kế hoạch 3 năm lần thứ nhất với những mục tiêu cụ thể.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 1955-1957, diện mạo miền Bắc đã thay đổi.

Về nông nghiệp, do nông dân thực sự được quyền sở hữu ruộng đất và do các chính sách khuyến nông như thủy lợi, phân bón, sức kéo… nên nông nghiệp được phục hồi nhanh chóng. Đến năm 1957, sản lượng lúa của miền Bắc đạt khoảng 4 triệu tấn, tăng hơn 1,5 triệu tấn so với năm 1939.

Về công nghiệp, hầu hết các cơ sở sản xuất cũ được khôi phục, hơn 50 cơ sở mới được xây dựng. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở sản xuất quốc doanh, khu vực công nghiệp tư nhân bao gồm các cơ sở sản xuất tư bản và tiểu thủ công nghiệp cũng được khuyến khích phát triển sản xuất.

Hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học được tiêu chuẩn hóa một bước. Năm học 1956-1957, có gần 1 triệu học sinh phổ thông, hơn 600.000 học sinh vỡ lòng, 2.084 sinh viên đại học, gần 8.000 học sinh chuyên nghiệp trung cấp. Hơn 1 triệu người được xóa nạn mù chữ.

Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nhà nước quan tâm xây dựng. Nếp sống lành mạnh, vệ sinh được vận động thực hiện khắp mọi nơi. Đến năm 1957, miền Bắc có 153 cơ sở điều trị, 108 đội y tế lưu động, khoảng 8.000 cán bộ y tế từ bác sỹ đến y tá.

Trong ba năm, nền kinh tế miền Bắc đã được phục hồi, phát triển với sự hiện diện của nhiều thành phần kinh tế. Trên 10 vạn người thất nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng và các thị xã, trị trấn trên miền Bắc đã có việc làm ổn định. Đời sống nhân dân được nâng cao.

Hệ thống chính trị cũng được củng cố, hoàn thiện. Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được ban hành năm 1960. Cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến cơ sở tuy giảm về số lượng biên chế, nhưng hiệu quả công tác lại được nâng cao hơn trước.

Lực lượng vũ trang cách mạng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chế độ nghĩa vụ quân sự xác định nhập ngũ bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân.

Các sư đoàn chủ lực được trang bị binh khí kỹ thuật mới, tiến dần lên chính qui hiện đại. Bộ đội địa phương, dân quân du kích được tổ chức, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng công an nhân dân được kiện toàn về tổ chức, nghiệp vụ được nâng cao. Đến năm 1960, về căn bản, quân và dân miền Bắc đã tiêu trừ xong lực lượng phỉ và bọn bạo loạn.

Kế hoạch 3 năm lần thứ nhất 1955-1957 hoàn thành, đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, tạo nên những chuyển biến cách mạng trong nền kinh tế và xã hội ở miền Bắc.

Từ sau năm 1957, miền Bắc dần dần được củng cố, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương ổn định, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa nước ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Đất nước không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đạt hơn 2.000 USD. Tỷ lệ các hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 8% năm 2014.

Việt Nam đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO…; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hòa bình khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục