Bước trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí

Sau hơn 10 năm bền bỉ và nỗ lực cao độ, những sản phẩm xăng dầu “Made in Vietnam” đầu tiên từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ ra đời vào ngày 22/2/2009, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam.

Sau hơn 10 năm bền bỉ và nỗ lực cao độ, những sản phẩm xăng dầu “Made in Vietnam” đầu tiên từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ ra đời vào ngày 22/2/2009, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam.

Nhân sự kiện quan trọng này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Trần Ngọc Cảnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) về lợi ích lớn lao mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mang lại cho nền kinh tế xã hội.
 
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho dòng sản phầm đầu tiên sớm hơn 4 ngày so với tiến độ cuối cùng được Quốc hội phê duyệt. Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
 
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho ra dòng sản phẩm đầu tiên sớm hơn 4 ngày không phải là một con số lớn và hấp dẫn, nhưng đầy ý nghĩa. Việc đưa Lọc dầu Dung Quất vào vận hành đúng tiến độ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài, bình ổn giá cả trong các trường hợp cần thiết và góp phần giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
 
Như chúng ta đã biết, lọc hóa dầu là ngành công nghiệp mũi nhọn có vai trò nền tảng với những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của nền kinh tế và xã hội. Vì vậy, Lọc dầu Dung Quất vào vận hành còn là một mốc son đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành ngành dầu khí Việt Nam trong việc xây dựng xong cơ cấu sản xuất kinh doanh hiện đại và đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới tàng trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối và dịch vụ dầu khí. Đây cũng là bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam.
 
Xin ông cho biết những lợi ích cụ thể mà Lọc dầu Dung Quất mang lại cho nền kinh tế khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động?
 
Khi nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào năng lượng như hiện nay thì dầu mỏ và các sản phẩm dầu khí giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn xăng dầu như hiện nay, việc Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng được khoảng 33% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước sẽ giảm đáng kể tỉ lệ nhập siêu của quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với giá thành cạnh tranh so với nhập khẩu, sản phẩm xăng dầu của Dung Quất sẽ là công cụ quan trọng để bình ổn thị trường trong những thời điểm cần thiết, nhất là khi giá nhiên liệu thế giới biến động mạnh.
 
Bên cạnh đó, khi đạt công suất hoàn toàn, mỗi tháng, Nhà máy sẽ cho ra gần 150 nghìn tấn xăng, 240 nghìn tấn dầu diesel, khoảng 23 nghìn tấn LPG, 30 nghìn tấn xăng máy bay Jet-A1 và 25 nghìn tấn dầu FO... Theo tính toán, với doanh thu hằng năm đạt khoảng 55 nghìn tỉ đồng (chưa kể đến doanh số của nhà máy sản xuất polypropylene), Lọc dầu Dung Quất sẽ là đơn vị đóng góp lớn nhất cho nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi và một phần cho Trung ương.

Mặt khác, với số lượng cán bộ của nhà máy lên tới hơn 1.200 người sẽ kéo theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác; giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người và cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế tổng thể của khu vực kinh tế Dung Quất. Hơn thế, việc xây dựng thành công Lọc dầu Dung Quất cũng tạo tiền đề và động lực cho sự phát triển công nghiệp lọc – hóa dầu, các ngành công nghiệp tiếp theo sau như các ngành hóa dầu, hóa chất và các ngành công nghiệp khác cũng như các dịch vụ phụ trợ cho đất nước và khu vực Miền Trung.
 
Ngoài những lợi ích trực tiếp mà Nhà máy mang lại, Lọc dầu Dung Quất cũng sẽ là trường đào tạo thực tiễn và hiệu quả cho các dự án tiếp theo của PVN trong lĩnh vực lọc hóa dầu ở Việt Nam và ở các nước khác.
 
Với thiết kế ban đầu, Lọc dầu Dung Quất sẽ sử dụng toàn bộ nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ làm nguyên liệu để sản xuất nhưng hiện nay PVN đã phải tiến hành nhập khẩu dầu thô về cho nhà máy. Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu như vậy, hiệu quả kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và Tập đoàn đã tính tới những phương án nào để đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho Lọc dầu Dung Quất?
 
Theo thiết kế hiện tại, Lọc dầu Dung Quất được thiết kế dựa trên nguồn nguyên liệu 100% dầu thô Bạch Hổ (giai đoạn đầu) hoặc dầu hỗn hợp (85% dầu thô Bạch Hổ + 15% dầu thô Dubai trong tương lai). Hiện nay, mặc dù sản lượng khai thác dầu Bạch Hổ đang giảm dần nhưng vẫn đáp ứng đủ công suất của Nhà máy trong 1-2 năm đầu vận hành. Tiên lượng được thực tế này, ngay từ giai đoạn điều chỉnh thiết kế Nhà máy, PVN đã chú trọng vào vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp để có thể sử dụng dầu thô tương thích từ nhiều nguồn khác nhau. Mặt khác, dầu Bạch Hổ là loại dầu thô đắt nhất trên thế giới nên để nâng cao hiệu quả kinh tế cho Lọc dầu Dung Quất, PVN đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá và đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng cung cấp ổn định, dài hạn các nguồn dầu thay thế.Vì vậy, có thể nói, việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu không làm giảm tính hiệu quả kinh tế của dự án.
 
Thực tế tại các nước khu vực Châu Á cho thấy: Hàn Quốc có 6 nhà máy lọc dầu với tổng công suất 127,5 triệu tấn/năm, Singapore có 3 nhà máy với tổng công suất là 62,7 triệu tấn/năm, Đài Loan có 4 nhà máy với tổng công suất 45,8 triệu tấn/năm và đều dựa trên 100% nguồn dầu thô nhập khẩu. Mặc dù vậy các nhà máy này vẫn hoạt động hiệu quả và kinh doanh có lãi.
 
Hiện nhiều vị trí quan trọng trong nhà máy vẫn do các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm trong khi mức lương trả cho một chuyên gia nước ngoài đủ để trả cho từ 8-10 kỹ sư Việt Nam. Vậy PVN có kế hoạch thay thế nguồn nhân lực cao cấp này như thế nào để bảo đảm mang lại hiệu quả lớn nhất cho Lọc dầu Dung Quất?
 
Như tôi đã nói, đây là dự án lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, có yêu cầu về công nghệ hiện đại trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, việc thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn 1-2 năm đầu để đảm bảo nhà máy vận hành an toàn và ổn định là việc làm cần thiết.
 
Đồng thời, để mang lại hiệu quả cao nhất cho Lọc dầu Dung Quất, ngay từ giai đoan đầu triển khai thiết kế, PVN đã phê duyệt kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nhân lực. Trong thời gian qua, Ban Quản lý Dự án đã hoàn thành công tác tuyển dụng, đào tạo toàn bộ nhân lực cho Nhà máy. Cho đến nay, toàn bộ các vị trí then chốt của Nhà máy đã được cử đi đào tạo, thực tập tại các cơ sở trong nước và các nhà máy ở nước ngoài như Liên Bang Nga, Romania, Indonesia, Malaysia…và hiện nay lại đang trực tiếp làm việc tại Nhà máy dưới sự giám sát của Nhà thầu Technip và sự kèm cặp của các chuyên gia nước ngoài đến từ các công ty có kinh nghiệm như: Petroconsult, Aramis, Idenmitsu, Petronas.
 
Hiện PVN cũng yêu cầu Nhà thầu Technip đánh giá năng lực thực tế của các kỹ sư cho các vị trí chủ chốt, đồng thời PVN cũng đang tiến hành xây dựng các tiêu chí đánh giá cho các vị trí nêu trên. Với kế hoạch triển khai này, ngay khi Lọc dầu Dung Quất được bàn giao cho chủ đầu tư (vào tháng 10/2009), PVN có thể đảm nhận được trên 90% vị trí chuyên gia vận hành. Tiếp theo, kế hoạch giảm thay thế nhân lực cao cấp trên sẽ được thực hiện theo thông lệ Quốc tế là từ 6 tháng đến 3 năm (cho nhân sự vận hành) tùy theo từng vị trí và khả năng tiếp cận của các kỹ sư Việt Nam./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục