Cả nước có 71 cá nhân được đề nghị xét danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Hà Nội là địa phương có số lượng nhiều nhất với 11 hồ sơ, phổ biến ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Cả nước có 71 cá nhân được đề nghị xét danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để lấy ý kiến nhân dân trước khi trình lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Theo đó, danh sách đề nghị bao gồm 71 cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 600 cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được Hội đồng chuyên ngành cấp bộ xét.

Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Hà Nội là địa phương có số lượng nhiều nhất với 11 hồ sơ; phổ biến ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (7 hồ sơ), tiếp theo là 3 hồ sơ nghệ nhân ở loại hình tri thức dân gian, 1 hồ sơ nghệ nhân ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Trong số đó có những gương mặt được nhân dân biết đến từ lâu như nghệ nhân làm diều Nguyễn Hữu Kiêm, đồng thầy Lưu Ngọc Đức, “đệ nhất ẩm thực Hà Thành” nghệ nhân Ánh Tuyết, nghệ nhân Chu Tiến Công - người thổi hồn vào những con tò he…

[77 cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân,” “Nghệ nhân Ưu tú”]

Sau Hà Nội, Bắc Ninh có 7 hồ sơ, đều ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; Thái Bình có 5 hồ sơ; Bình Định có 4 hồ sơ; Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 hồ sơ… được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Danh sách 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước cũng được đăng tải để xin ý kiến rộng rãi.

Trong danh sách này, Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu với 60 hồ sơ, tiếp theo là Hòa Bình, Thanh Hóa 26 hồ sơ, Bắc Ninh và Nghệ An 25 hồ sơ…

Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến của nhân dân sẽ kéo dài đến ngày 27/7, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức phiên họp, bỏ phiếu kín theo quy định./.

Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được xét tặng cho cá nhân có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật.

Các cá nhân phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên mới được xét danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đối với Nghệ nhân nhân dân, cần có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục