Lao động trong khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục là lực lượng chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất bởi đại dịch COVID-19 trong quý 1, do đó, Tổng Cục Thống kê đề xuất cần sớm “giải cứu” lao động khu vực này bằng việc tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vắcxin, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo về tình hình lao động việc làm quý 1/2021 do Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.
Kết quả điều tra lao động việc làm quý 1 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng...
Lao động mất việc do COVID-19
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý 1 cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25-54 chiếm gần 2/3.
Trong tổng số 9,1 triệu người nói trên, có 540.000 người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn, tương ứng 15,6% và 10,4%.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Dân số-Lao động (Tổng Cục Thống kê) cho biết nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm 15,5%, chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.
Theo ông Phạm Hoài Nam, xét về mức độ bị tác động theo khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch; đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng; lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.
Đà phục hồi bị suy giảm
Ông Phạm Hoài Nam cho hay sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch COVID-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020 đồng thời khiến nhiều người lao động, đặc biệt phụ nữ, trở thành lao động có việc làm phi chính thức.
Trong quý 1, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959.600 người so với quý trước và giảm 177.800 người so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước). Số lao động có việc giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới.
[Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề]
Sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng đã khiến 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19,0% lao động trong các doanh nghiệp/hợp tác xã còn bị ảnh hưởng, chủ yếu là giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm.
Trong quý 1/2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu, giảm 251,7 nghìn người so với quý trước và tăng 525.400 người so với cùng kỳ năm trước, nâng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 1 lên 57,1%. Tỷ lệ này tăng cao ở khu vực nông thôn và ở nữ giới.
Kết quả điều tra cũng cho thấy mặc dù số người có việc làm giảm nhưng số phụ nữ có việc làm lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này ở phụ nữ chủ yếu là do tăng về số người có việc làm phi chính thức khiến tỷ lệ lao động phi chính thức của nữ giới tăng mạnh hơn so với nam giới.
Dịch COVID-19 bùng phát trong quý 1 cũng làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 1 là 971.400 người; tăng 143.000 người so với quý trước và tăng 78.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý 1 là 2,2%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,88%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,51%; khu vực dịch vụ là 1,76%.
Mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn có tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cao nhất so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ thiếu việc làm trong khu vực này đã giảm đi 0,8%. Trong khi đó tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng.
Như vậy, rõ ràng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
“Đặc biệt, dịch COVID-19 cũng góp phần thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin của người lao động nhằm thích nghi với các diễn biến khó lường của đại dịch,” ông Phạm Hoài Nam cho hay.
Kết quả điều tra cho thấy, trong quý 1 có hơn 78.000 lao động cho biết do đại dịch COVID-19 nên họ đã chuyển đổi từ việc không ứng dụng công nghệ thông tin sang có ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của mình.
Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý 1 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.
Theo Tổng Cục Thống kê, Chính phủ cần tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động./.