Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/9 có cuộc thảo luận đầu tiên về cách thức đơn giản hóa các quy định tài chính phức tạp của EU, nhằm giúp tình hình tài chính công bền vững hơn và ổn định các nền kinh tế trong suốt các chu kỳ kinh doanh.
Hệ thống các quy định tài chính của EU, được xây dựng ban đầu vào năm 1997, có tên là Hiệp ước Tăng trưởng và Bình ổn, đặt ra những hạn chế về vay nợ đối với các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), song để các nước này “quyền tự chủ” về nợ chính phủ và thâm hụt ngân sách.
Sau khi được điều chỉnh vào các năm 2005, 2011 và 2013, các quy định trên đã trở nên phức tạp, khiến Ủy ban châu Âu (EC) hàng năm phải công bố một cuốn sổ tay diễn giải cách thức áp dụng các quy định cùng với nhiều sự miễn trừ và ngoại lệ.
[Italy kêu gọi EU cải cách quy định về thâm hụt ngân sách và nợ công]
Hai yếu tố chính của các quy định này là mức trần thâm hụt ngân sách tương đương 3% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và mức trần nợ công tương đương 60% GDP.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, khi các bộ trưởng tài chính EU bàn thảo về vấn đề đơn giản hóa quy định tài chính thì điều này không có nghĩa là điều chỉnh các mục tiêu chủ chốt về tài chính mà là cách thức tính toán và các thông số sử dụng để đưa ra các mục tiêu trên.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay và năm tới, đồng thời dự báo lạm phát của khu vực này sẽ ở mức thấp hơn từ nay tới năm 2021.
Theo ECB, tăng trưởng kinh tế của Eurozone dự kiến sẽ đạt 1,1% năm 2019 và 1,2 năm 2020, thấp hơn so với các mức dự báo trước đó lần lượt là 1,2% và 1,4%. Tỷ lệ lạm phát cũng sẽ giảm xuống 1,2% trong năm 2019, 1% năm 2020 và 1,5% năm 2021./.