Liệu các công ty công nghệ khổng lồ có 'bóp chết' các chợ bán lẻ?
Maria Gonzalez-Miranda - nhà Quản lý Ứng dụng thực tế về kinh tế vĩ mô, thương mại và hoạt động đầu tư toàn cầu tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Ivailo Izvorski - nhà kinh tế trưởng về kinh tế vĩ mô, thương mại và hoạt động đầu tư toàn cầu tại WB, đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này.
Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.
Công nghệ thông tin không chỉ đang biến đổi các chợ bán lẻ, nó còn làm cho các chợ này hiện diện ở khắp mọi nơi, đặc biệt đối với người tiêu dùng hộ gia đình. Giờ đây, gần như tại khắp mọi địa điểm trên thế giới, người ta có thể tìm kiếm đủ các mặt hàng và dịch vụ, so sánh giá hàng hóa từ vô số người bán và đưa ra những chỉ dẫn về vận chuyển và giao nhận hàng hóa, tất cả chỉ bằng một cú nhấp chuột hay chạm lên màn hình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này giống như giấc mơ trở thành hiện thực đối với tất cả những ai đã lớn lên và quen với việc đi chợ tại các chợ theo đúng nghĩa của nó, tại đó họ có thể chạm tay trực tiếp vào hàng hóa được người bán đặt trên các kệ bày hàng, tại các quảng trường công cộng, hay dọc theo các con đường bụi bặm.
Trong nhiều trường hợp, việc đi chợ hằng ngày này đòi hỏi phải đợi chờ lâu hay phải tốn nhiều công sức mặc cả. Nhưng đối với các chợ trực tuyến, người ta có thể tiết kiệm được rất nhiều thứ về nhiều phương diện và chi phí giao dịch được giảm mạnh ở tất cả các khâu trong quá trình giao dịch.
Các chợ trực tuyến có tiềm năng cải thiện túi tiền của người tiêu dùng một cách thực chất, thông qua việc tiếp sức cho sự cạnh tranh về giá cả, tính hiệu quả, và kinh nghiệm của khách hàng, cho dù là thông qua các công cụ tìm kiếm hay thông qua các nền tảng giao diện duy nhất như Amazon chẳng hạn. Và nếu người tiêu dùng chỉ phải chi ít hơn từ khoản thu nhập sau thuế của họ cho từng món hàng họ mua, thì họ lại có điều kiện để chi tiêu nhiều hơn, từ đó giúp thúc đẩy toàn bộ hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, liệu các chợ trực tuyến có đáp ứng được tiềm năng này hay không?
Việc diễn tả như trên có vẻ đã lỗi thời, nếu có thể nói như vậy. Giờ đây, những người bán hàng trực tuyến tận dụng các hoạt động trên Internet và các dữ liệu cá nhân khác của người tiêu dùng để thực hiện việc "thông báo giá nhằm vào từng cá nhân cụ thể."
Quả thực, nếu bạn tìm kiếm trên mạng để tìm một chiếc ôtô đắt tiền hơn hay một kỳ nghỉ tốn kém hơn, việc này sẽ được ghi nhớ và lưu trữ bởi các tracking cookie (tracking cookie là một file nhỏ dưới dạng văn bản được tải về máy của người dùng khi họ truy cập một trang web nào đó, từ đó trang web này có thể nhận diện thiết bị của người dùng ở những lần truy cập sau và lưu trữ những thông tin nhất định về người dùng như sở thích online, hoạt động trong quá khứ...) hay bởi các phương tiện giám sát trực tuyến khác.
Và cùng với những dữ liệu này, các nhà quảng cáo và bán lẻ kỹ thuật số sẽ chào hàng với bạn những kiểu đồng hồ, đồ đạc trong nhà, hay loại vé máy bay đắt tiền hơn những loại mà họ chào với người sử dụng có thu nhập thấp hơn cũng đang tìm kiếm các mặt hàng và sản phẩm tương tự. Trong một số trường hợp, họ thậm chí có thể đưa ra những giá khác nhau cho cùng một mặt hàng hay dịch vụ đối với những đối tượng khách hàng khác nhau.
Phân khúc của chợ trực tuyến liên quan đến các công ty web làm công việc kiểm thử các điểm chỉ giá nhằm ước tính chính xác lượng cầu và các mối liên kết của nó với những đặc điểm của hộ người tiêu dùng. Ví dụ, một bài viết vào tháng Năm 2017 trên báo The Atlantic ghi nhận rằng "Khi lễ Giáng Sinh đang đến gần trong năm 2015, giá của gia vị làm bánh bí ngô đã trở nên điên rồ... Giá trên Amazon cho một lọ có trọng lượng 1 ounce lúc này là 4,49 USD và lúc khác là 8,99 USD, phụ thuộc vào thời điểm người ta chọn mua."
Hình thức phân biệt giá này là hợp pháp chừng nào nó không diễn ra trên cơ sở chủng tộc, sắc tộc, giới tính, hay tôn giáo. Một cách cực đoan, điều này có nghĩa là những dữ liệu về sở thích, thu nhập, và cách chi tiêu của chúng ta có thể sẽ sớm được sử dụng để xác định giá đã được hiệu chuẩn nhằm vào cá nhân cho tất cả các giao dịch mua bán. Theo kịch bản đó, có khả năng sẽ hoàn toàn không còn phải mất thời gian cho khâu thặng dư tiêu dùng (mức chênh lệch giữa giá thực tế phải trả và giá mà người tiêu dùng sẵn lòng chấp nhận để có một hàng hoá hay dịch vụ nào đó) nữa.
Một điều chắc chắn là việc phân biệt giá sẽ không diễn ra đối với mọi loại hàng hóa và dịch vụ, và xu hướng này có thể được kiềm chế bằng việc cạnh tranh từ các nhà bán lẻ ngoại tuyến hay những nhà bán lẻ mới tham gia thị trường đang quyết liệt ganh đua giành giật thị phần bằng cách đưa ra giá thấp hơn. Như một sự lựa chọn khác, những dữ liệu thu thập được trong một số ngành công nghiệp có thể được chia sẻ rộng rãi giữa các công ty đang cạnh tranh nhau để từ đó các công ty này sẽ thống nhất một giá duy nhất cho từng mặt hàng. Trên thực tế, các công ty ngày nay có khả năng đang phải đối mặt với kiểu phân khúc giá hàng hóa này, đặc biệt là những công ty đã tích lũy được rất nhiều dữ liệu từ công chúng.
Điều này gợi ý rằng thị trường có khả năng sẽ trở nên được phân khúc một cách cực đoan, theo đó sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ bị giới hạn chặt chẽ vào những hàng hóa được chào mời được chọn ra theo hồ sơ dữ liệu của người dùng. Theo cách hiểu của bất kỳ sinh viên theo học môn kinh tế, tình trạng theo kiểu này sẽ làm giảm tình trạng kinh tế nói chung, do từng người tiêu dùng sẽ bị buộc phải trả giá tối đa cho những gì họ sẵn sàng bỏ tiền ra cho từng hàng hóa hay dịch vụ mà họ mua, không còn được hưởng "thêm" lợi lộc gì cho mình nữa.
Làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, những đòi hỏi về vốn và kỹ năng tay nghề sản xuất đang tăng lên nhanh chóng, trong số nhiều nhân tố khác, cũng đang giúp duy trì một xu hướng tiến tới ít cạnh tranh hơn giữa các công ty bao trùm một quy mô rộng lớn các lĩnh vực trong các nền kinh tế tiên tiến. Điều này, cùng với việc "loại bỏ" một cách có hệ thống đối với thặng dư tiêu dùng, sẽ có những ảnh hưởng kinh tế vĩ mô sâu rộng, đặc biệt thông qua những thay đổi trong mô hình tiêu dùng tư nhân. Đối với người tiêu dùng, phần của chiếc bánh kinh tế có được từ thu nhập sau thuế sẽ co lại trên thực tế, dẫn đến một sự sụt giảm về tổng cầu. Như vậy, cuối cùng, mọi người đều bị thiệt hại.
Trong lúc cuộc tranh cãi đang diễn ra xung quanh việc có nên cho phép, hay không, các công ty công nghệ khổng lồ sử dụng dữ liệu cá nhân thu được từ người dùng trực tuyến, nhiều trong số những công ty này cho đến nay vẫn tiếp tục tự quyết định những vấn đề này cho bản thân họ - và đồng thời, mở rộng ra, cho tất cả chúng ta nữa. Vì lợi ích kinh tế của công chúng trong những năm và thập niên trước mắt, chúng ta phải đảm bảo rằng những quyết định này là phải phù hợp với việc tạo ra và duy trì những thị trường lành mạnh, có sức cạnh tranh. Suy cho cùng, một hệ thống có lợi cho người tiêu dùng sẽ có lợi cho tất cả mọi người./.