Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua 5 Luật

Chiều 20/6, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Luật với số tán thành cao, với 4/5 luật có tỷ lệ tán thành lên đến trên 90%.
Chiều 20/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Luật gồm Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật công đoàn (sửa đổi) với số tán thành cao.

Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường

Với 95,39% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật giá, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

Theo quy định của Luật, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; có chính sách về giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Nhà nước thực hiện bình ổn giá đối với các mặt hàng như xăng, dầu thành phẩm; điện; phân đạm; phân NPK; Vắcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật...

Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng và hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Luật cũng quy định rõ các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá như bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước; lợi dụng thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...

Đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh theo lộ trình

Luật giám định tư pháp được Quốc hội thông qua với 92,99% đại biểu có mặt tán thành. Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh; quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; giám định bổ sung, giám định lại và giám định hội đồng...

Về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh - nội dung đổi mới căn bản nhất, Quốc hội đã thống nhất bổ sung thêm 1 khoản quy định là căn cứ vào nhu cầu thực tế và điều kiện thực tế của địa phương, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, đòi hỏi phải có sự đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh, tập trung vào một đầu mối để đầu tư, xây dựng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh cần có lộ trình phù hợp.

Nghiêm cấm lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối

Được thông qua với sự tán thành của 93,79% đại biểu có mặt, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nội dung phổ biến, giáo dục trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước... Phổ biến, giáo dục pháp luật có thể thông qua một số hình thức như họp báo, thông cáo báo chí; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Hoặc thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân...

Luật nghiêm cấm việc truyền đạt sai lệch, phê phán nội dung pháp luật được phổ biến; không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định; cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hoặc lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh

Với việc thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính (85,77% tán thành), Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý. Hơn nữa, quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý. Tuy nhiên, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ việc này, Chính phủ, các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ các đối tượng này bằng việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quốc gia về dạy nghề, vay vốn, tạo công ăn việc làm.

Quốc hội cũng đồng tình quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

89,58% đại biểu Quốc hội có mặt cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Lao động người nước ngoài không được gia nhập Công đoàn Việt Nam

Luật công đoàn (sửa đổi) được thông qua với số tán thành 90,18% đã xác định trách nhiệm của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nói chung, không phân biệt đối tượng đó là đoàn viên công đoàn hay không phải đoàn viên công đoàn. Quốc hội cũng đã tán thành không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề tài chính công đoàn, Luật cũng quy định rõ kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoản đóng góp này một mặt góp phần bảo đảm hoạt động của công đoàn, mặt khác bảo đảm vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, giáo dục, động viên người lao động thực hiện tốt công việc, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây hoàn toàn không phải là điều kiện buộc người lao động gia nhập công đoàn nên không trái với nguyên tắc tự nguyện.

Theo Chương trình, ngày mai, 21/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết. Trong đó có Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội...

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc, kết thúc kỳ họp thứ 3./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục