Các điểm nóng xung đột khiến thị trường châu Á "đóng băng"

Chiều phiên giao dịch 19/8, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 2.501,03 USD/ounce, trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên 2.539,80 USD/ounce.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường châu Á nhìn chung chứng kiến một ngày giao dịch khá tẻ nhạt trong phiên đầu tuần này, sau khi chứng kiến tuần bùng nổ ấn tượng của giá vàng và cổ phiếu trong tuần trước.

Xu hướng chốt lời khiến giá vàng quay đầu hạ nhẹ, giá dầu tiếp tục đi xuống do lo ngại về nguồn cung suy yếu, trong khi thị trường chứng khoán biến động trái chiều chờ thêm các tín hiệu từ Fed.

Giá vàng quay đầu giảm nhẹ

Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/8, dao động quanh mốc quan trọng 2.500 USD/ounce, do các nhà giao dịch đổ xô chốt lời sau khi giá vàng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong phiên trước, nhờ kỳ vọng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.

Cụ thể, chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 2.501,03 USD/ounce, trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên 2.539,80 USD/ounce.

Đồn đoán ngày càng gia tăng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.509,65 USD/ounce vào phiên cuối tuần (ngày 16/8).

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đã khiến giá vàng tăng hơn 20% kể từ đầu năm nay.

Ông Tim Waterer, Giám đốc phân tích thị trường của công ty thương mại KCM Trade, cho biết: “Vàng đã theo đuổi mức tâm lý 2.500 USD/ounce trong vài tháng và bây giờ, khi đã đạt đến mức này, một số hoạt động chốt lời đương nhiên sẽ diễn ra.”

Tuần trước, doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự kiến, cùng với dữ liệu lạm phát hạ nhẹ, đã khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà giao dịch tin tưởng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới và trọng tâm hiện nay là quy mô của đợt cắt giảm. Theo công cụ CME FedWatch, 75,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng Chín tới.

Ông Waterer nói thêm: “Các nhà giao dịch sẽ hướng sự chú ý tới bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole vào cuối tuần này có thêm manh mối về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed."

Thị trường cũng sẽ theo dõi biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 21/8 tới.

Lượng nắm giữ vàng của SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới, đã tăng gần 1% vào ngày 16/8. Dữ liệu cho thấy các nhà đầu cơ vàng tại sàn giao dịch COMEX cũng tăng vị thế mua ròng thêm 34.197 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 13/8 vừa qua.

Tại Việt Nam, chiều phiên 19/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,00 - 80,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

chứng khoán châu á.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán biến động ngược chiều

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 19/8, sau khi chứng khoán toàn cầu ghi nhận tuần tăng điểm tốt nhất trong chín tháng qua do kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được nguy cơ suy thoái và lạm phát hạ nhiệt sẽ khởi đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed.

Thị trường hiện đang tập trung vào cuộc họp tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole vào cuối tuần, nơi Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu quan trọng, có thể đề cập về lộ trình lãi suất của ngân hàng này.

Chiều phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1%. Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt tăng điểm, khi các dấu hiệu cho thấy chính phủ sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế góp phần nâng đỡ các cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đạt mức cao kỷ lục.

Khép phiên, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 1% và 0,5%, lên các mức 17.599,76 điểm và 2.893,33 điểm.Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 0,1% lên 7.980,40 điểm.

Các thị trường chứng khoán Manila của Philippines, Bangkok của Thái Lan và Jakarta của Indonesia cũng đồng loạt bừng sắc xanh trong phiên này.

Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, khi đồng yen mạnh lên tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư và thúc đẩy hoạt động bán tháo của các nhà xuất khẩu.

Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 674,05 điểm, tương đương 1,77%, lên mức 37.388,62 điểm.

Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc cũng đóng cửa phiên đầu tuần này với mức giảm, chấm dứt chuỗi 5 ngày tăng liên tiếp. Đồng won, nội tệ của Hàn Quốc, trong phiên này tăng mạnh lên mức cao nhất trong 5 tháng so với đồng USD. Chỉ số KOSPI mất 22,87 điểm, tương đương 0,85%, đóng cửa ở mức 2.674,36 điểm.

Chuyên gia kinh tế Christian Keller của ngân hàng Barclays cho biết: "Mặc dù có thể còn quá sớm để Fed tuyên bố chiến thắng lạm phát và các ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ thận trọng để tránh đề cập tới điều này trong những bài phát biểu chính thức, song nỗi lo lạm phát giờ đây gần như đã biến mất."

Lạm phát chi phối các cuộc tranh luận về chính sách của Fed kể từ khi giá cả bắt đầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Ông Keller nói thêm, lạm phát có thể chưa đạt mức mục tiêu 2% nhưng nó đã ngừng tăng cao và đang "đi đúng hướng."

Giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư dường như đã vượt qua được tình trạng hỗn loạn bao trùm những sàn giao dịch chứng khoán hồi đầu tháng này, khi một chuỗi dữ liệu cho thấy nỗi lo về suy thoái kinh tế của Mỹ đã bị thổi phồng quá mức.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên 19/8, chỉ số VN - Index tăng 9,39 điểm (0,75%) lên 1.261,62 điểm. Chỉ số HNX – Index tăng 0,86 điểm (0,37%) lên 236,01 điểm.

giá dầu 3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu tiếp tục đà giảm

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch 19/8, do lo ngại nhu cầu thấp ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc đã tác động tới tâm lý thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư tập trung vào tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Trung Đông, điều có thể làm giảm rủi ro nguồn cung.

Cuối phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 45 xu Mỹ, tương đương 0,56%, xuống 79,23 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng giảm 58 xu, tương đương 0,76%, xuống 76,07 USD/thùng.

Cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm giá gần 2% vào phiên cuối tuần trước, khi các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc, nhưng kết thúc tuần gần như không thay đổi so với tuần trước đó, sau khi một loạt dữ liệu của Mỹ vào tuần trước cho thấy lạm phát đang ở mức vừa phải và chi tiêu bán lẻ tăng mạnh.

Ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch NS Trading, một đơn vị của công ty chứng khoán Nissan Securities, cho biết: “Những lo ngại dai dẳng về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng bán tháo.”

Ông cho biết thêm một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu là mùa lái xe cao điểm ở Mỹ sắp kết thúc.

Ông nói: “Tuy nhiên, căng thẳng ở Trung Đông và sự leo thang của cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra rủi ro về nguồn cung, đang củng cố thị trường”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục