Các diễn giả Pháp ca ngợi thành tựu Đổi mới của Việt Nam

Tại Hội thảo "Việt Nam sau Đại hội XII: Gián đoạn hay liên tục," tuyệt đại đa số các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam qua 30 năm Đổi mới.
Các diễn giả Pháp ca ngợi thành tựu Đổi mới của Việt Nam ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo tại Quỹ Gabriel Péri. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Hội thảo quốc tế về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ đề "Việt Nam sau Đại hội XII: Gián đoạn hay liên tục" đã được Quỹ Gabriel Péri, một cơ quan nghiên cứu độc lập của Pháp, tổ chức ngày 11/3, tại Paris.

Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đại diện cho các chính đảng lớn, nhiều tổ chức chính trị-xã hội, giới học giả, doanh nhân và các cá nhân của Pháp và châu Âu quan tâm tới Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Michel Maso, Giám đốc Quỹ Gabriel Péri, cho biết giới nghiên cứu và học giả tại Pháp rất quan tâm đến Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung do Việt Nam là một đất nước rất năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mô hình phát triển mới mẻ, có quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp Đổi mới, hình ảnh Việt Nam tại Pháp rất tích cực. Sau Đại hội Đảng lần thứ XII, rất nhiều yếu tố tích cực đã xuất hiện tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cuộc hội thảo là sự kiện góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đồng thời giúp giới học giả và công chúng Pháp có thêm thông tin chính thống về Việt Nam, tăng cường hiểu biết về Việt Nam.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Phạm Xuân Sơn đánh giá cao việc Quỹ Gabriel Péri với vai trò là một quỹ chính trị, đã có sáng kiến tổ chức một hội thảo về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông đã điểm lại lịch sử đương đại của Việt Nam, nét độc đáo của nền chính trị và con đường đổi mới của Việt Nam, cơ sở lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những điểm nổi bật, những nét mới trong chủ trương, đường lối của Việt Nam mà Đại hội XII mới thông qua.

Các diễn giả Pháp ca ngợi thành tựu Đổi mới của Việt Nam ảnh 2Ông Phạm Xuân Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Tại ba phiên tọa đàm của hội thảo, tổng cộng đã có 12 tham luận của các diễn giả Pháp và Việt Nam. Các diễn giả Việt Nam đã trình bày khái quát đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, những nội dung và những ý kiến thảo luận quan trọng tại Đại hội XII, các quyết sách của Đại hội về định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới; đánh giá tổng kết 30 năm Đổi mới toàn diện đất nước và phân tích những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn Đổi mới.

Ngoài ra, các diễn giả cũng nhấn mạnh việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và hạn chế mà nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; khẳng định con đường Đổi mới và đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Các diễn giả Pháp, dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu và của các nhân chứng, những người đã chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam, cũng đã ca ngợi những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật của Việt Nam trong những năm qua.

Phần thảo luận của hội thảo đã diễn ra sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng sự thật. Tuyệt đại đa số các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam qua 30 năm Đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, đói nghèo, chậm phát triển và bị cô lập, bao vây, cấm vận; cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, không ngừng nâng cao vai trò và vị thế trên trường quốc tế.

Các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là đảng cầm quyền, phải đối mặt trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều đại biểu chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp ở khu vực và trên thế giới, trong đó có tình hình tại Biển Đông, tán thành và ủng hộ chủ trương của Việt Nam giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Các đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được những thành công mới trong quá trình đổi mới và phát triển; quan hệ quốc tế của Việt Nam trong đó có quan hệ với Pháp và Liên minh châu Âu ngày càng được củng cố và phát triển.

Trong thời gian ở Pháp, Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương đã tiếp xúc, làm việc với Lãnh đạo Đảng Cộng sản (PCF), Đảng Xã hội (PS), Đảng Cánh tả Cấp tiến (MGP) và Đảng Những người Cộng hòa (LR) của Pháp.

Đoàn cũng đã gặp Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Pháp để chia sẻ thông tin, thảo luận về tình hình mỗi nước, khu vực và quốc tế, và trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục