Ngày 20/6, Trường Đại học Thamasat ở Bangkok, Trung tâm Đông Nam Á-Đức về Chính sách công và Quản trị hiệu quả (CPG) và Quỹ Quản trị châu Á (AGF) đã đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC): Nguồn lực quân sự và Tài nguyên biển."
Cuộc hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, hoc giả đến từ Đại học Thamasat, Đại học Chulalongkorn, Học viện Công nghệ quốc phòng, Học viện Quốc phòng quốc gia Thái Lan; Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore; Đại học UIN Jember, Indonesia; Đại học La Salle, Philippines, Quỹ phát triển khu vực (LDF), Quỹ Diễn đàn phát triển con người, giới ngoại giao các nước phương Tây, các nước ASEAN; phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và sở tại.
Tại Hội thảo, tiến sỹ Li Nan thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, đã đưa ra tham luận theo chủ đề “Tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, những tác động chủ yếu và giải pháp khắc phục,” theo đó ông đã trình bày báo cáo khoa học về thực trạng tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Theo ông Li, sự gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông sẽ có tác động rất lớn đến bối cảnh chính trị, an ninh trong khu vực. Các nước trong khu vực cần khai thác tốt các yếu tố vốn có, cũng như xây dựng các cơ chế mới để giảm thiểu tác động tiêu cực từ vấn đề trên, trong đó các nước ASEAN cần phải xây dựng, hoàn thiện vai trò trung tâm của mình, đồng thời đẩy nhanh kết thúc quá trình đàm phán về một COC.
Một COC hoàn chỉnh, toàn diện sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể khu vực hành xử một cách trách nhiệm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần vận dụng những cơ chế đang tồn tại như Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).
[Đối thoại biển lần thứ 5: Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông]
Cũng tại Hội thảo, diễn giả đến từ Philippines, tiến sỹ Ma. Carmen Ablan-Lagman thuộc Trung tâm Khoa học và Nghiên cứu tự nhiên (CENSER) của Đại học Se La Salle, đã tham luận về nguồn tài nguyên biển khu vực, nhấn mạnh sự suy thoái về môi trường ở Biển Đông và hậu quả đối với khu vực. Theo bà Carmen, các hoạt động đánh bắt tận diệt và bồi đắp các bãi đá, san hô đã tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, hủy hoại môi trường sống của các loài hải sản và sinh vật biển.
Kết thúc hội thảo, các nhà khoa học khẳng định tiến trình kết thúc đàm phán COC sẽ gặp nhiều thử thách trong bối cảnh Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) hồi năm 2016, hạ thấp giá trị của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), tăng cường tuyên truyền về cái gọi là thực trạng mới tại Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh ngày càng can thiệp sâu hơn vào khu vực, tạo ra những yếu tố khó tính toán.
Cũng theo những nhà khoa học trên, một COC toàn diện, có tính ràng buộc trên thực tế là một yêu cầu cấp bách, do đó, ASEAN cần giữ vững sự đoàn kết, thống nhất và nguyên tắc đồng thuận trước các cuộc đàm phán./.