Các hồng y Công giáo La Mã đã bắt đầu những cuộc thương lượng ngày 4/3 trước khi tổ chức hội nghị cơ mật để bầu ra giáo hoàng mới, sau vụ từ chức lịch sử của Benedict XVI, trong bối cảnh một hồng y người Anh không được tham dự sau khi thừa nhận có hành vi tình dục không đứng đắn với các giáo sỹ khác. Hồng y Scotland Keith O’Brien tự rút lui vào tháng trước sau khi xuất hiện những cáo buộc về các sự kiện từ những năm 1980. Hàng loạt vụ bê bối và cáo buộc đã xuất hiện kể từ khi Benedict trở thành giáo hoàng thứ hai trong lịch sử 2.000 năm của giáo hội tự nguyện từ chức. Những cuộc gặp ở Vatican sẽ định ngày để bắt đầu mật nghị hồng y bầu ra nhà lãnh đạo cho 1,2 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới. Vatican dự kiến sẽ có 115 hồng y có quyền bỏ phiếu, những hồng y dưới 80 tuổi, tham dự mật nghị, sau khi O’Brien rút lui và một hồng y Indonesia nói ông không tới được vì lý do sức khỏe. Hiện giờ vị trí giáo hoàng vẫn mở với rất nhiều ứng viên được đề cập. Các cuộc gặp trước mật nghị, dự kiến sẽ kéo dài trong suốt tuần này, cũng sẽ hé lộ về những ưu tiên với hồng y tiếp theo. Tám năm làm giáo hoàng của Benedict bị phủ bóng đen bởi hàng loạt vụ bê bối ở châu Âu và Bắc Mỹ liên quan tới những vụ lạm dụng tình dục trẻ em từ hàng thập kỷ trước và việc này bị những giáo sỹ cấp cao che giấu. Các lãnh đạo giáo hội cũng lo ngại về những vấn đề như yêu cầu độc thân với các giáo sỹ, ứng xử với những người đồng tính, thái độ với những người ly dị, lập trường của giáo hội về việc tránh thai cũng như đối thoại với các tôn giáo khác, đặc biệt là đạo Hồi. Những nỗ lực làm sống lại đức tin trong bối cảnh chủ nghĩa thế tục ngày càng gia tăng cũng rất quan trọng. “Chúng tôi phải đối mặt với những vấn đề quan trọng nhất: sự truyền bá phúc âm và sự truyền bá phúc âm mới ở những vùng vốn có truyền thống Thiên Chúa giáo,” hồng y người Colombia Ruben Salazar Gomez nói với nhật báo Corriere della Sera ngay trước cuộc gặp. Hồng y người Honduras Oscar Andres Rodriguez Maradiaga nói sẽ không tránh khỏi những vấn đề như Vatileaks, hàng loạt các rò rỉ tài liệu mật vào năm ngoái cho thấy những đấu tranh quyền lực bên trong tòa thánh. “Chúng tôi phải được thông tin về những vấn đề này. Vì khoảng cách, chúng tôi có ít thông tin,” Maradiaga nói với kênh truyền hình công cộng Italy Rai Due. Chưa định ngày cụ thể
Hiện vẫn chưa định được ngày bầu ra vị giáo hoàng thứ 266 của giáo hội, dù truyền thông Italy nói có thể sẽ là ngày thứ Hai, 11/3. Người đứng đầu giáo đoàn các hồng y, Angelo Sodano, nhấn mạnh ngày bắt đầu sẽ chưa được định cho tới khi tất cả các hồng y có quyền bỏ phiếu đã có mặt ở Rome. Những cuộc gặp đóng kín cửa sẽ chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, bao gồm việc chuyển một chiếc lò đặc biệt tới nhà nguyện Sistine để đốt tất cả các phiếu sau mỗi vòng bỏ phiếu diễn ra hai ngày một lần. Nếu như khói bốc lên từ chiếc lò màu đen, với việc thêm vào một hóa chất đặc biệt, có nghĩa là không ứng viên nào giành được hai phần ba số phiếu yêu cầu. Nếu khói là màu trắng, có nghĩa là một giáo hoàng mới đã được bầu. “Khi John Paul II qua đời năm 2005, mọi người đều đã nghĩ về người thay thế trong hàng tháng trời và mật nghị diễn ra ngắn gọn,” một hồng y đã về hưu nói với AFP. “Lần này, động thái chưa có tiền lệ của giáo hoàng đã khiến mọi tính toán đều bất ngờ.” Ông cũng bình luận rằng mật nghị có thể sẽ ra “một quyết định can đảm” như việc bầu cho giáo hoàng người Ba Lan, tên thật là Karol Wojtyla, vào năm 1978. Trong số những ứng viên hàng đầu có hồng y người Italy Angelo Scola, một người thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại giữa các tôn giáo và hồng y người Áo Christoph Schoenborn, một học trò cũ của Benedict với quan điểm cấp tiến mạnh. Hồng y người Mỹ, người đã tấn công vào vấn đề xâm hại tình dục tại giáo phận Boston, nơi những vụ bê bối lần đầu phát lộ, và Timothy Dolan, tổng giám mục thân thiện của New York, cũng được coi là những ứng viên.
Hiện vẫn chưa định được ngày bầu ra vị giáo hoàng thứ 266 của giáo hội, dù truyền thông Italy nói có thể sẽ là ngày thứ Hai, 11/3. Người đứng đầu giáo đoàn các hồng y, Angelo Sodano, nhấn mạnh ngày bắt đầu sẽ chưa được định cho tới khi tất cả các hồng y có quyền bỏ phiếu đã có mặt ở Rome. Những cuộc gặp đóng kín cửa sẽ chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, bao gồm việc chuyển một chiếc lò đặc biệt tới nhà nguyện Sistine để đốt tất cả các phiếu sau mỗi vòng bỏ phiếu diễn ra hai ngày một lần. Nếu như khói bốc lên từ chiếc lò màu đen, với việc thêm vào một hóa chất đặc biệt, có nghĩa là không ứng viên nào giành được hai phần ba số phiếu yêu cầu. Nếu khói là màu trắng, có nghĩa là một giáo hoàng mới đã được bầu. “Khi John Paul II qua đời năm 2005, mọi người đều đã nghĩ về người thay thế trong hàng tháng trời và mật nghị diễn ra ngắn gọn,” một hồng y đã về hưu nói với AFP. “Lần này, động thái chưa có tiền lệ của giáo hoàng đã khiến mọi tính toán đều bất ngờ.” Ông cũng bình luận rằng mật nghị có thể sẽ ra “một quyết định can đảm” như việc bầu cho giáo hoàng người Ba Lan, tên thật là Karol Wojtyla, vào năm 1978. Trong số những ứng viên hàng đầu có hồng y người Italy Angelo Scola, một người thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại giữa các tôn giáo và hồng y người Áo Christoph Schoenborn, một học trò cũ của Benedict với quan điểm cấp tiến mạnh. Hồng y người Mỹ, người đã tấn công vào vấn đề xâm hại tình dục tại giáo phận Boston, nơi những vụ bê bối lần đầu phát lộ, và Timothy Dolan, tổng giám mục thân thiện của New York, cũng được coi là những ứng viên.
Các giáo dân tụ tập ở Vatican hôm 3/3 nghe ngóng về cuộc bầu chọn Giáo hoàng mới (Nguồn: AFP)
Ngoài ra phải kể đến hồng y người Canada ở Quebec, Marc Ouellet, một nhân vật bảo thủ với quan hệ tốt cùng châu Mỹ Latinh. Về phần Mỹ Latinh, nơi có nhiều người Công giáo La Mã nhất, hồng y Brazil và tổng giám mục Sao Paulo, Odilo Scherer, được coi là ứng viên hàng đầu. Tại châu Phi, Peter Turkson của Ghana, Robert Sarah của Guinea và Wifrid Napier của Nam Phi, tổng giám mục Duran, là các ứng viên khả dĩ. Với châu Á, cái tên được nhắc đến mới nhất là ứng viên người Philippines, tổng giám mục Manila, Luis Antonio Tagle, một nhà thần học 55 tuổi rất nổi tiếng./.
Trần Trọng (Vietnam+)