Dịch COVID-19 kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Khi tình hình hình ổn định, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Vĩnh Phúc đã trở lại phát triển bình thường. Các doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ tại địa bàn.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có 218.619 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp; trong đó, lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 111.451 người, lao động ngoài khu công nghiệp là 107.204 người; lao động là người ngoài tỉnh có 52.555 người, chiếm 24%; lao động nữ chiếm 59,2%.
Để thu hút lao động có hiệu quả cao, không ít doanh nghiệp đã tăng lương, chế độ phúc lợi để thu hút lao động. Trên nhiều trục đường vào các khu công nghiệp, đô thị lớn trên địa bàn có treo thông báo tuyển dụng lao động. Các biển, bảng thông báo được đặt ở vị trí cổng chính của doanh nghiệp để mọi người dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Những người muốn tìm hiểu sâu về vị trí tuyển dụng, chế độ chính sách cụ thể, điều kiện và môi trường làm việc… được nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp trực tại cổng ra vào hướng dẫn để gặp trực tiếp bộ phận nhân sự, nhà tuyển dụng tư vấn, giải đáp mọi yêu cầu.
Nhà tuyển dụng và người có nhu cầu tìm việc làm được đối thoại và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, không phải qua các khâu trung gian… cũng tránh được tình trạng lừa đảo, "cò" để ăn chặn tiền bạc của người đang đi tìm việc. Phần lớn mức thu nhập các doanh nghiệp đưa ra hiện nay vẫn ổn định, phổ biến từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn EO VINA tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, chuyên sản xuất gia công sản phẩm vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác cần tuyển 300 lao động phổ thông với mức thu nhập từ 8-9 triệu đồng/người/tháng.
[Giải "bài toán" thiếu nhân lực do số lao động mắc COVID-19 tăng cao]
Công ty Trách nhiệm hữu hạn LS COMMUNICATION VINA, chuyên sản xuất, gia công linh kiện, phụ kiện điện tử dùng cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác, tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên cần tuyển 500 công nhân mức thu nhập từ 8-9 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn INTERFLEX VINA Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, có nhu cầu tuyển dụng bổ sung 200 công nhân với mức thu nhập thực tế 9-11 triệu đồng/người/tháng…
Tương tự, Công ty TACO chuyên sản xuất khuôn, đồ gá, chi tiết cơ khí có độ chính xác cao ở khu Công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên cũng cần tuyển hàng trăm lao động phổ thông không cần qua đào tạo với mức thu nhập từ 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất hàng may mặc Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên tuyển 100 lao động phổ thông với mức thu nhập bình quân 9-12 triệu đồng/người/tháng...
Ngoài ra, hàng chục doanh nghiệp vốn đầu tư chủ yếu nước ngoài đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng thông báo tuyển bổ sung lao động, mức tuyển bổ sung phổ biến từ 100-300 lao động/doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp này đều cam kết sẽ đảm bảo các quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội và y tế, môi trường làm việc tốt. Điều đáng quan lâm mức thu nhập phổ biến từ 8-11 triệu đồng/người/tháng.
Mức thu nhập của lao động phổ thông trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện nay đang được cải thiện, do đó, người lao động ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp. Tình trạng chủ doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động lớn tuổi để tuyển lao động trẻ, khỏe, năng động hơn cũng ngày càng ít hơn so với trước đây.
Để giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi để người lao động nắm bắt được thông tin tuyển dụng; đa dạng hóa thông tin tuyển dụng trên Website, trang Fanpage Sanvieclamtinhvinhphuc; tăng cường giới thiệu thông tin quả quảng cáo, pano thông báo tuyển dụng; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho các lao động thất nghiệp, ký cam kết cung ứng nhân lực cho một số doanh nghiệp...
Trước nhu cầu đòi hỏi của các doanh nghiệp sản xuất, các nhà tuyển dụng lao động với lực lượng công nhân ngày càng cao về trình độ kỹ thuật, có tay nghề vững thông qua qua đào tạo, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện Nghị quyết về chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông học trình độ trung cấp, cao đẳng, cao đẳng chương trình độ đào tạo chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Mức hỗ trợ với học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp được hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng; sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng đại trà được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chương trình chất lượng cao được hỗ trợ học phí với mức 800.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực học tại trường nhưng không quá 20 tháng/khóa học và không quá 30 tháng/khóa học. Danh mục ngành, nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp đại trà được hỗ trợ bao gồm: nhóm cắt gọt kim loại, hàn, công nghệ ôtô, điện công nghiệp, điện dân dụng, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử và cơ khí…/.