Các lái tàu tại Đức tiếp tục đình công đòi tăng lương

Theo Tổ chức Công đoàn các lái tàu Đức, các thành viên của tổ chức này lại tiếp tục đình công từ 2 giờ ngày 18/10 đến 4 giờ ngày 20/10.
Các lái tàu tại Đức tiếp tục đình công đòi tăng lương ảnh 1Khách chờ tàu điện ngầm tại Đức. (Nguồn: dw.de)

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Công đoàn các lái tàu Đức (GDL), các thành viên của tổ chức này lại tiếp tục đình công từ 2 giờ ngày 18/10 đến 4 giờ ngày 20/10.

Do cuối tuần này tại nhiều bang ở Đức bắt đầu kỳ nghỉ Thu nên ước tính sẽ có hàng trăm nghìn hành khách bị ảnh hưởng do cuộc đình công.

Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết GDL đã bác bỏ đề nghị của giới chủ là Công ty đường sắt Đức (Deutsche Bahn) về việc nâng 5% lương cho các lái tàu trong 1,5 năm.

Trước đó, giới chủ đề nghị tăng 5% lương cho các lái tàu theo 3 giai đoạn và trải dài trong 2,5 năm, nhưng GDL yêu cầu rút ngắn xuống còn 12 tháng và áp dụng cho tất cả các nhân viên đường sắt, từ lái tàu, phụ tàu, nhân viên cấp dưỡng trên tàu tới nhân viên bẻ ghi (chuyển đường ray tàu).

Do hai bên không đạt được thỏa hiệp nên các lái tàu tiếp tục đình công, làm ảnh hưởng đến hoạt động của tàu khu vực, tàu đường dài và hệ thống tàu S-Bahn.

Ngay từ chiều tối 17/10, hệ thống tàu hàng và S-Bahn ở Berlin đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống tàu điện Strassenbahn và tàu điện ngầm U-Bahn chưa bị ảnh hưởng.

Hiện Công ty đường sắt Đức đã lên phương án thay thế tại các tuyến đường sắt có đình công để hạn chế ảnh hưởng đối với khách đi tàu, cũng như đảm bảo sẽ duy trì hoạt động của 1/3 số chuyến tàu. Phương án này sẽ được áp dụng cho hai ngày cuối tuần và kết thúc vào 24 giờ ngày 19/10, cho phép hành khách linh hoạt trong việc đi các loại tàu và sử dụng loại vé tiết kiệm.

Trước đó, ngày 15/10 vừa qua, các lái tàu ở Đức cũng đã tiến hành cuộc đình công kéo dài 14 giờ. Tuy nhiên, cuộc đình công trong cuối tuần này kéo dài nhất và dự kiến gây thiệt hại nặng về kinh tế.

Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt kêu gọi các bên liên quan lập tức trở lại bàn đàm phán để tìm giải pháp cho bất đồng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục