Dù vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh viên ở New Delhi đã khiến phụ nữ tại nhiều thành phố đòi quyền được tự do và an toàn, trong các ngôi làng Ấn Độ nơi đàn ông chiếm đa số, người ta lại nhìn nhận vấn đề khác hẳn. Sau vụ hiếp dâm tại New Dlehi, hội đồng làng Khedar ở bang Haryana đã quyết định hồi cuối tuần về việc cấm "các ca khúc thô bỉ" tại những đám cưới, cấm phụ nhữ mặc đồ jean và áo phông, mang điện thoại tới trường. "Các lãnh đạo làng đã họp mặt hôm Chủ Nhật bởi họ bị sốc trước những gì xảy ra ở Delhi. Nếu một vụ hiếp dâm tập thể có thể xảy ra ở Delhi, nó cũng có thể xảy ra ở làng chúng tôi," trưởng làng Shamsher Singh cho biết. "Tại thành phố, các cô gái được tự do mặc đồ họ muốn. Nhưng làng của tôi là một nơi rất nhỏ và nếu một cô gái muốn mặc đồ Âu, các cô gái khác cũng sẽ làm điều tương tự." Động thái của làng đã phản ánh một sự tương phản rõ rệt giữa cuộc sống đô thị và làng xã ở Ấn Độ. Ở đô thị, những người phụ nữ thành phố được tự do hơn trong việc lựa chọn, kết hôn và làm việc trong khi ở làng quê, cuộc sống lại ngả theo hướng gia trưởng truyền thống. ["Cứ 25 phút lại xảy ra một vụ hiếp dâm ở Ấn Độ"] Phản ứng ở Khedar và các láng khác, nơi 800 triệu trong số 1,2 tỷ dân Ấn Độ sinh sống, cũng khiến người ta nghi ngờ về việc liệu vụ hiếp dâm tập thể ở Delhi có làm thay đổi thái độ của Ấn Độ với phụ nữ. Với nhiều người, sự kiện đã khiến họ củng cố niềm tin rằng gốc rễ của vấn nạn hiếp dâm nằm trong các ảnh hưởng hiện đại hay quá trình "phương Tây hóa" - nói cụ thể hơn đó là các bộ quần áo "khiêu khích," âm nhạc gợi dục và những người phụ nữ trở nên quyết đoán hơn. Nạn nhân thiệt mạng sau vụ hiếp dâm và đánh đập tàn bạo ở New Delhi đã đi xem một bộ phim Hollywood tại một trung tâm mua sắm và đang trở về nhà khi trời đã khuya, vào thời điểm cô bị tấn công. "Các chân giá trị và văn hóa thực sự của Ấn Độ nên được thiết lập ở mọi tầng lớp xã hội, nơi phụ nữ nên được xem như 'người mẹ'," Mohan Bhagwat, lãnh đạo Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một trong những nhóm Hindu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa có nhiều ảnh hưởng nhất, đã nói trong một cuộc họp diễn ra ở Đông Bắc Ấn Độ. Một nhân vật cao cấp trong đảng cầm quyền là Digvijay Singh cáo buộc RSS đã "muốn đưa Ấn Độ" trở lại thế kỷ 18. Nhưng ông chỉ ra rằng các bình luận này không phải trường hợp cá biệt và cũng là quan điểm của rất nhiều trưởng làng ở Ấn Độ, cũng như nhiều chính trị gia tại đây. Một thành viên nữ trong nội các ở chính quyền bang Madhya Pradesh thậm chí còn nói rằng những người phụ nữ đi quá "lằn ranh đạo đức" cần phải bị trừng phạt, trong khi một nghị sĩ ở bang Rajasthan đã đề xuất việc cấm váy ngắn ở trường học. Con trai Tổng thống, một nghị sỹ của đảng cầm quyền, đã bác bỏ yêu cầu của người biểu tình trong việc đòi cảnh sát bảo làm công tác bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ, tránh khỏi việc bị quấy rối thường nhật. Ông này mô tả những người biểu tình là "những người phụ nữ già nua", muốn tạo một "cuộc cách mạng màu hồng". Reicha Tanwar, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ ở Haryana nói rằng các thái độ như kể ở trên tại vùng nông thôn Ấn Độ, đặc biệt là những bang đông dân nhất nằm ở phía Bắc, đang "đi thụt lùi" sau vụ hiếp dâm ở New Delhi. [Chân dung những kẻ hiếp dâm tập thể trên xe buýt] "Họ đang siết chặt kiểm soát lên các cô gái, cấm các cô không được ra ngoài đường, đi một mình, đi xe đạp, dùng điện thoại di động hoặc nói chuyện với con trai," bà nói. Các hội đồng làng và các "khap panchayat" - những hội đồng làng không chính thức tạo thành từ các già làng, luôn có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nông thôn, đặc biệt là ở phía Bắc Ấn Độ. Theo các nhà hoạt động, hội đồng làng không chính thức thường ban hành các sắc lệnh "giống kiểu Taliban". Một đạo luật mới được thiết kế để tăng ảnh hưởng cho phụ nữ, bằng cách dành cho họ 1/3 số ghế trong hội đồng lập pháp đã thành công tại một số nơi. Nhưng thường kết quả là vợ của một số cựu nghị sỹ chạy đua vào chỗ trống mà chồng để lại và khi đắc cử họ cũng chỉ làm bình phong mà thôi. Dù có những tuyên bố rằng việc các giới tiếp xúc với nhau thoải mái hơn tại thành phố và việc có ít những giới hạn tại đây có thể dẫn tới việc tình trạng tội phạm tăng cao, thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại.
Người dân Ấn Độ biểu tình sau vụ hiếp dâm tập thể. (Nguồn: AFP)
Cục thống kê dữ liệu tội phạm quốc gia Ấn Độ thấy rằng đã có 2.579 vụ hiếp dâm được báo cáo tại 53 thành phố lớn nhất Ấn Độ trong năm 2011, trong tổng số 24.206 vụ trên toàn quốc, tức số vụ phạm tội ở các khu đô thị chỉ là 1/10 cả nước. Các nhà hoạt động cảnh báo rằng những số liệu thống kê này chưa cho thấy hết vấn đề bởi phụ nữ gặp khó khăn trong việc trình báo khi bị tấn công tình dục. Định kiến xã hội ở các cộng đồng nhỏ cũng cản trở họ làm việc này. Cho dù vụ hiếp dâm ở Delhi có tạo sự thay đổi lớn cho phụ nữ Ấn Độ trong thời gian ngắn hay không, quá trình đô thị hóa chắc chắn sẽ tạo nên những biến động lớn trong vài năm tới. Báo cáo Triển vọng Đô thị hóa Thế giới 2011 của Liên hợp quốc cho thấy dân số đô thị của Ấn Độ đã tăng 28% từ mức hiện nay là 377 triệu người lên 483 triệu người vào năm 2020. Vào năm 2030, con số dân đô thị sẽ tăng thêm 60% lên mức 606 triệu người./.
Linh Vũ (Vietnam+)