Các nhà sản xuất pin của Hàn Quốc đang đối mặt với sự không chắc chắn trong hoạt động kinh doanh do các vấn đề an toàn và tranh chấp pháp lý, giữa bối cảnh thị trường pin bùng nổ trên toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh gay gắt khi các nhà sản xuất ôtô đua nhau chuyển sang công nghệ điện khí hóa.
Ba công ty Hàn Quốc gồm LG Energy Solution, Samsung SDI và SK Innovation hiện đang là những nhà cung cấp pin sạc hàng đầu thế giới nhờ công nghệ tiên tiến và năng lực sản xuất cao.
Theo dữ liệu của công ty SNE Research, thị phần pin của ba công ty này đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2019, chiếm 34% thị trường pin toàn cầu vào năm 2020.
Giá cổ phiếu của cả ba công ty này trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã tăng vọt trong năm 2020, nhờ doanh số bán hàng tăng cao và kỳ vọng rằng ngành công nghiệp sản xuất pin đang phát triển mạnh này sẽ trở thành một trong những lĩnh vực đi đầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.
Để tăng trưởng hơn nữa, các công ty này cam kết sẽ tăng cường đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất trong những năm tới. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những thách thức trong và ngoài nước để vươn lên dẫn đầu trong thị trường đầy cạnh tranh này, với các đối thủ lớn từ Trung Quốc và Nhật Bản.
[Công ty LG Chem Ltd. dẫn đầu doanh số bán pin xe điện toàn cầu]
LG Energy, công ty dẫn đầu ngành sản xuất pin sạc tại Hàn Quốc, đang phải “ngồi ghế nóng” do nguy cơ hỏa hoạn liên quan đến pin được sử dụng trong xe điện Kona EV của Hyundai Motor, sau khi đã có 15 vụ cháy xảy ra kể từ khi dòng xe thể thao đa dụng (SUV) cỡ nhỏ này ra mắt vào năm 2018.
Ngày 24/2, Hyundai Motor cho biết hãng này sẽ thay thế hệ thống pin cho khoảng 82.000 xe điện (EV), bao gồm cả Kona EV, xe bus Ioniq và Elec City được bán ở thị trường Hàn Quốc cũng như nước ngoài vì có nguy cơ gây hỏa hoạn.
Quyết định này được đưa ra trong vòng chưa đầy 4 tháng sau khi Hyundai Motor tiến hành triệu hồi trên phạm vi toàn cầu các xe điện Kona sau khi xảy ra 14 vụ cháy liên quan đến hệ thống pin.
Nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc cho biết họ sẽ tham vấn LG Energy về việc chia sẻ chi phí triệu hồi ước tính khoảng 1.000 tỷ won (900 triệu USD) sau khi Chính phủ công bố kết quả điều tra cuối cùng.
Vào tháng 11/2020, General Motors cũng phải triệu hồi 68.766 chiếc Chevrolet Bolt EV có sử dụng pin của LG sau khi có 5 vụ cháy được báo cáo.
Người phát ngôn của LG Energy cho biết pin của Bolt EV được sản xuất tại nhà máy Ochang ở Hàn Quốc trên dây chuyền sản xuất khác và được vận hành theo một hệ thống quản lý pin khác với pin của Kona EV.
LG không phải là hãng duy nhất phải đảm bảo chất lượng pin của mình để thâm nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. BMW và Ford, các hãng sản xuất ôtô sử dụng pin do Samsung SDI sản xuất, vào cuối năm 2020 cũng phải triệu hồi xe do lo ngại về nguy cơ cháy pin. BMW cho biết cuộc điều tra nội bộ cho thấy các hạt phân tử nhỏ có thể đã xâm nhập vào pin trong quá trình sản xuất, dẫn đến đoản mạch pin khi pin được sạc đầy.
Sự bấp bênh trong hoạt động kinh doanh của các hãng sản xuất pin Hàn Quốc cũng thể hiện trong nhưng cuộc chiến pháp lý kéo dài, ví dụ như vụ kiện tụng qua lại giữa LG Energy và SK Innovation liên quan đến công nghệ EV trong và ngoài nước.
Ngày 10/2 vừa qua, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã ra phán quyết nghiêng về phía công ty LG Energy Solution trong vụ tranh chấp về đánh cắp bí mật kinh doanh mặt hàng pin sạc với SK Innovation kéo dài gần hai năm qua.
Vụ việc này này thu hút nhiều sự chú ý do đây là cuộc tranh chấp quy mô lớn nhất giữa hai công ty Hàn Quốc liên quan đến lĩnh vực pin xe điện, một động lực tăng trưởng kinh tế mới đang được nhiều người kỳ vọng./.