Ngày 16/4, các phe phái đối lập ở Libya đã nối lại đối thoại chính trị tại Skhirat (Maroc) nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon đã tiến hành đàm phán riêng rẽ với các phái đoàn của Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HoR) và Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn).
Một ngày trước khi nối lại đàm phán, ông Leon đã gây sức ép lên các phái đoàn, đồng thời kêu gọi họ hãy thể hiện sự mềm dẻo nhằm đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.
Liên hợp quốc đã công bố đề xuất gồm sáu điểm nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Libya bằng cách thiết lập một chính phủ chuyển tiếp điều hành đất nước cho đến khi hiến pháp mới được thông qua và bầu cử được tiến hành.
Theo đề xuất, một chính phủ đoàn kết sẽ do một tổng thống đứng đầu và một hội đồng tổng thống gồm các các nhân vật độc lập, bên cạnh một quốc hội đại diện cho toàn dân Libya và một hội đồng nhà nước tối cao.
Ông Mohamed Mazzab, thành viên của phái đoàn GNC tuyên bố sẽ gửi tới đặc phái viên của Liên hợp quốc quan điểm của GNC liên quan đến đề xuất trên.
Về phần mình, ông Mohamed Chouaib, thành viên phái đoàn HoR, khẳng định phái đoàn đã gửi ý kiến tới ông Leon, đồng thời nhấn mạnh cuộc đàm phán sẽ tiếp tục nhằm đi tới một thỏa thuận cuối cùng trong hai ngày tới.
Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn./.