Các thương hiệu xa xỉ bắt đầu để mắt tới châu Phi

Gần đây ngày càng nhiều hãng để mắt tới châu Phi và trong tương lai, có thể nhiều thương hiệu hàng xa xỉ sẽ xuất hiện tại thị trường này.
Dù châu Phi có nhiều triệu phú, chẳng hạn, nhiều hơn nước Nga giàu dầu mỏ, nhưng với nhiều người châu Phi giàu có, nếu muốn mua những chiếc túi xách kiểu cách và những chiếc đồng hồ sang trọng thì vẫn phải tới New York và châu Âu.

Tuy vậy, gần đây ngày càng có nhiều hãng để mắt tới châu Phi và trong tương lai, có thể nhiều thương hiệu hàng xa xỉ sẽ xuất hiện tại thị trường này.

Các nhà sản xuất hàng xa xỉ đã rất chậm đầu tư vào châu Phi trong khi ào ào kéo vào Trung Quốc và những nơi khác ở vùng Viễn Đông.

Các khoản đầu tư chủ yếu là vào Bắc Phi và Nam Phi, trong khi phần còn lại gần như là một không gian tiêu dùng lớn bị bỏ trống.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của châu Phi, các thành phố đang bùng nổ và tầng lớp trung lưu lớn mạnh đang lôi cuốn các thương hiệu hạng sang tới đánh thức các thị trường trên khắp lục địa này, mặc dù sự phức tạp trong hoạt động kinh doanh và khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm thích hợp để mở cửa hàng sẽ khiến quy trình kinh doanh có thể diễn ra chậm.

Một nhà sản xuất đang xâm nhập thị trường châu Phi là thương hiệu trang phục nam Ermenegildo Zegna của Italy. Hãng này có kế hoạch mở cửa hàng tại Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria, sau khi đã có các cửa hàng tại Ai Cập và Morocco.

Zegna bắt đầu có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc 20 năm trước và bất kỳ ai khi đó cũng nghĩ là họ điên rồ. Thương hiệu thời trang 102 năm tuổi này với những bộ complê mà các diễn viên như Tom Cruise và Robert de Niro lựa chọn đã mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc năm 1991 và cũng đã sớm xuất hiện tại các thị trường mới nổi khác.

Sau Nigeria, Zegna có kế hoạch mở cửa hàng tại Luanda (Angola) vào năm 2013 và cũng đang để mắt tới Kênia cũng như các thị trường khác. Hãng thời trang Gucci của Italy, thuộc sở hữu của tập đoàn PPR của Pháp, cũng đang nhằm vào Nigeria cũng như Angola, những thị trường nhiều tiền mặt nhờ dầu mỏ. Hãng thời trang Hugo Boss và trang sức Cartier của Đức, do tập đoàn Richemont của Thụy Sỹ sở hữu, đã có hoạt động tại châu Phi.

Louis Vuitton, tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, đã có các cửa hàng ở Johannesburg và Cape Town (Cộng hoà Nam Phi), nhưng Francesco Trapani, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh trang sức và đồng hồ ở LVMH, nói châu Phi vẫn là một thị trường cực kỳ nhỏ đối với hãng này.

Sự phát triển của thị trường hàng xa xỉ châu Phi được cho là không thể cất cánh với tốc độ như ở Trung Đông, mặc dù số của cải có thể đem đầu tư của người giàu ở châu Phi đạt tổng số 1,1 nghìn tỷ USD năm 2011, so với 1,7 nghìn tỷ USD ở Trung Đông.

Theo Giám đốc điều hành Uche Okonkwo của hãng tư vấn Luxe Corp đang tư vấn cho các thương hiệu như Chanel hay Dior, nhìn chung, các nhà sản xuất hàng xa xỉ không biết đến tiềm năng to lớn khi làm ăn tại châu Phi bởi vì không hiểu về xứ sở này.

Theo hãng tư vấn Bain & Company, châu Phi có hơn 120.000 triệu phú USD, so với khoảng 95.000 ở Nga, và số triệu phú của châu phi tăng 3,9% năm ngoái, tăng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào, trừ Mỹ Latinh.

Số người tiêu dùng giàu có sẽ tiếp tục tăng, khi hoạt động khai thác dầu khí ở các nước như Ghana, Tanzania và Mozambique sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Claudia D'Arpizio, người phụ trách mảng thời trang và hàng xa xỉ của Bain, nói việc mở thêm các khu mua sắm có thể giúp thu hút các thương hiệu lớn. Bà nói tiềm năng lớn ở châu Phi sẽ là động lực cho sự phát triển của các thương hiệu hàng xa xỉ trong tương lai.

Một hội thảo do Menkes tổ chức tại Rome (Italy) tuần trước đã nêu bật tiềm năng của châu Phi như một thị trường hàng xa xỉ đã có sự hiện diện của một số tên tuổi lớn như LVMH, PPR và Hermes và các nhà thiết kế Vivienne Westwood, Jean-Paul Gaultier và Manolo Blahnik.

Sozzani của Vogue Italy nói sự xuất hiện của Zegna tại châu Phi có thể khuyến khích các hãng khác theo chân, mặc dù nhiều hãng vẫn nghi ngờ về sức mua của thị trường này, đặc biệt là đối với những sản phẩm có giá rất cao.

Phát biểu tại hội thảo, Guillaume de Seynes, Giám đốc điều hành của tập đoàn Hermes International của Pháp và là thành viên thế hệ thứ sáu của gia đình Hermes, nói châu Phi có thể là một trận tuyến mới cho thế hệ thứ bảy, có nghĩa hãng sẽ không vội vã cho sự hiện diện ở đó.

Ông nói hãng vẫn chưa tìm được bất kỳ cơ hội nào cho việc kinh doanh tại châu Phi, khi các thị trường mà hãng nhắm đến như Ai Cập, Morocco, Nam Phi có thể chưa đủ trưởng thành để chào đón Hermes./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục