"Tung chiêu" hút thí sinh

Các trường "tung chiêu" hút thí sinh nguyện vọng 2

Giải pháp tài chính luôn là lựa chọn hàng đầu của các trường với các chiêu như tặng quà, học bổng, miễn giảm học phí, ký túc giá rẻ…
Cuộc đua xét tuyển nguyện vọng hai đã bắt đầu khởi động được một tuần, bắt đầu từ ngày 20/8. Trong khi các sỹ tử đang đau đầu để “chọn mặt gửi vàng” thì các trường cũng căng mình để không “cháy” chỉ tiêu.

Xét tuyển có… thưởng

Để hút thí sinh, giải pháp tài chính luôn là lựa chọn hàng đầu của các trường với các chiêu như tặng quà, tặng học bổng, miễn giảm học phí, chỗ ở ký túc giá rẻ…

“Đăng ký ngay, rinh ngay quà tặng” là nội dung banner được treo ngay trang chủ cổng thông tin điện tử của trường Đại học Quốc tế Bắc Hà. Biển quảng cáo này được thiết kế động để luôn hiển thị trên màn hình khi người đọc kéo lên, xuống trang hay vào các trang trong.

Năm nay, Đại học Quốc tế Bắc Hà xét tuyển 800 chỉ tiêu nguyện vọng hai các khối thi A, A1, và khối D từ D1 đến D6 vào 8 ngành khác nhau. Trong đó, chỉ tiêu hệ đại học là 450 em và 200 em hệ cao đẳng. Điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường cũng tuyển 150 chỉ tiêu hệ liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học chính quy.

“Chịu chơi” hơn, Đại học Tân tạo (Long An) còn tặng luôn cả 250 suất học bổng toàn phần cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình. Học bổng bao gồm toàn bộ học phí, tiền ăn, ở của thí sinh trong năm đầu tiên. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 đến 21 điểm, tùy từng ngành. Trong thông báo tuyển sinh, trường cũng không quên nhấn mạnh: “Số lượng học bổng có hạn, ưu tiên cho các ứng cử viên nộp đơn sớm.”

Không có mức “khuyến mại” lớn như Đại học Tân tạo, Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) cho biết sẽ xét miễn giảm học phí cho thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn từ 2 điểm trở lên trong năm thứ nhất. Đại học Đông Á (Đà Nẵng) triển khai “Chương trình hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn kinh tế khó khăn” với các hoạt động như hỗ trợ 2.000 chỗ ở ký túc xá với giá chỉ 42.500 đồng/tháng, hỗ trợ học tiếng Anh với giảng viên nước ngoài và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp hỗ trợ thực hành và việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Mong đạt 30% chỉ tiêu

Mặc dù dùng rất nhiều phương thức để thu hút thí sinh nhưng lãnh đạo nhiều trường, nhất là các đại học ngoài công lập vẫn thấp thỏm lo “cháy” chỉ tiêu.

Năm nay, với đề thi được đánh giá là dễ hơn mọi năm và cách tính điểm sàn thay đổi, số thí sinh trên điểm sàn dôi dư so với chỉ tiêu là 238.000 em, tăng gần 100.000 em so với năm 2012. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, số dôi dư này cộng với những thí sinh đạt trên điểm sàn nhưng không đỗ vào các trường đại học nhóm trên sẽ là nguồn tuyển phong phú cho các trường nhóm dưới.

Và với nguồn tuyển dồi dào hơn, theo bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Đào tạo, trường Đại học Đại Nam, việc xét tuyển nguyện vọng 2 năm nay của trường có phần “rôm rả” hơn mọi năm. Hiện Đại học Đại Nam đã tuyển được khoảng 200 thí sinh ở nguyện vọng 1 và thu được khoảng 100 hồ sơ ở nguyện vọng 2. “Hy vọng tình hình năm nay sẽ khả quan hơn,” bà Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, việc tuyển được bao nhiêu thí sinh thì phải đến khi các em nhập học mới biết chính xác vì thí sinh nộp hồ sơ nhiều trường cùng lúc và có thể chọn trường khác để học. Tiêu biểu như tại trường Đại học Công nghệ Đông Á, ban tuyển sinh của trường cho biết, ngày nhập học cho thí sinh nguyện vọng 1 là 20/8 nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều em không đến.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Lương Thế Vinh, số thí sinh dôi dư nhiều nhưng số trường công lập tuyển nguyện vọng 2 cũng rất lớn và những trường này luôn được các em ưu tiên hơn.

“Việc tuyển sinh sẽ vẫn rất khó khăn”, ông Hùng lo lắng nói. Năm 2012, Đại học Lương Thế Vinh là một trong những trường có mùa tuyển sinh thê thảm nhất khi gần như không tuyển được thí sinh nào. Đề cải thiện tình hình, năm nay, Trường đã huy động rất nhiều lực lượng tham gia công tác tuyển sinh, từ giáo viên, cán bộ quản lý, sinh viên đến cựu sinh viên với nhiều kênh như đến trực tiếp các trường phổ thông, tư vấn trực tuyến trên VTV2… Bên cạnh đó, trường cũng chấn chỉnh thái độ phục vụ của tất cả các bộ phận, bồi dưỡng giáo viên… để nâng cao chất lượng đào tạo ở mọi khâu.

“Nỗ lực hết mình nhưng chúng tôi cũng chỉ kỳ vọng tuyển được 30 đến 40% chỉ tiêu ở đợt này,” ông Hùng nói. Ông cũng kỳ vọng sẽ có thêm đợt xét tuyển vào mùa xuân để trường có thể cải thiện tình hình. Tuy nhiên, điều này là khó khả thi vì đến thời điểm này, đã có một số trường trình phương án tuyển sinh riêng nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa duyệt trường nào. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, nguyên nhân do các trường chủ yếu đề xuất xét tuyển từ kết quả học bậc phổ thông và điều này không được xã hội đồng tình.

Mùa tuyển sinh năm nay có lẽ sẽ vẫn tiếp tục là một thách thức với các trường ngoài công lập./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục