Cấm ăn uống trong hang động không ảnh hưởng kinh doanh ở vịnh Hạ Long

Chỉ có một số ít các hãng tàu du lịch đưa dịch vụ ăn uống trong hang động Hạ Long vào tour du lịch của họ, còn lại đa số các hãng tàu du lịch ngủ đêm không sử dụng loại hình dịch vụ này.
Cấm ăn uống trong hang động không ảnh hưởng kinh doanh ở vịnh Hạ Long ảnh 1Tàu du lịch Vịnh Hạ Long cập Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

“Việc chấm dứt các dịch vụ kinh doanh ăn uống trong các hang động không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long của công ty,” ông Đào Mạnh Lượng, Chủ tàu Biển Ngọc, kiêm Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết.

Ông Lượng cho biết thêm: "Chỉ có một số ít các hãng tàu du lịch đưa dịch vụ ăn uống trong hang động Hạ Long vào tour du lịch của họ, còn lại đa số các hãng tàu du lịch ngủ đêm không sử dụng loại hình dịch vụ này."

Cùng quan điểm với ông Lượng, nhiều chủ du thuyền du lịch trên vịnh Hạ Long cũng đồng tình với việc dừng kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các hang, động Hạ Long của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ các giá trị của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long này.

Ông Bùi Đức Long, Chủ hãng tàu du lịch Hương Hải, cho rằng thực chất dịch vụ ăn uống trong hang động Hạ Long là dịch vụ phụ trợ, gia tăng nhằm phục vụ chủ yếu những yêu cầu phát sinh của khách du lịch trên các tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh, chứ không phải là dịch vụ chính.

Trước đó, ngày 7/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra thông báo sẽ chấm dứt việc kinh doanh ăn uống trong các hang động Hạ Long trước ngày 30/9. Riêng đối với với Công ty cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long (đơn vị được cấp phép kinh doanh loại hình này từ năm 2005), Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu công ty này phải thông báo cho các hãng lữ hành về việc không tổ chức dịch vụ tại hang Trống và phải chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ này trước ngày 30/10.

Lý do chính quyền tỉnh Quảng Ninh ra quyết định cương quyết này là từ năm 2005, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ cho Công ty cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long cho phép tổ chức dịch vụ ăn tối, biểu diễn nghệ thuật ở duy nhất hang Trống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch vụ này lại phát triển rộng ra tại các điểm của vùng lõi di sản như hồ Động Tiên, hang Tiên Ông, hang Cỏ, hang Trinh Nữ...

Mặc dù đánh giá sơ bộ tại hang Trống, loại hình dịch vụ ăn uống chưa làm ảnh hưởng xấu đến môi trường trong hang và xung quanh, tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long thừa nhận gần đây có những bữa tiệc trong hang động có quy mô lớn chừng 10 bàn tiệc lớn. Do vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh chấm dứt loại hình dịch vụ này để nhằm bảo tồn nguyên trạng những giá trị tự nhiên của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, hạn chế tối đa những hoạt động có khả năng ảnh hưởng, tác động không tốt tới cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Đặc biệt, ngày 27/4/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 1139/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020. Theo Quyết định này, tại các điểm hang, động nói chung đều không quy hoạch loại hình dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, tiệc mừng trong hang.

Thực tế, lượng khách đăng ký, hoặc có nhu cầu ăn uống trong hang động chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số khách tham quan du lịch vịnh Hạ Long. Hơn nữa, nguồn thu từ dịch vụ này vào ngân sách nhà nước chưa được đánh giá hiệu quả so với những rủi ro tác động xấu đến hang động của di sản là hiện hữu.

Trong thông báo yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh ăn uống trong hang động Hạ Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh còn giao cho thành phố Hạ Long phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, đề án liên quan đến vịnh Hạ Long và quy chế quản lý vịnh để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, tuân thủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO và pháp luật Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long Phạm Hồng Hà cho biết tới đây, thành phố có chủ trương cấm nấu ăn trên các tàu du lịch nhằm bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng như hạn chế các rủi ro và đảm bảo an toàn tính mạng của du khách khi tham quan vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, dự tính này của chính quyền địa phương đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ du khách và những người kinh doanh du thuyền.

Nhiều chủ tàu du lịch, nhất là tàu lưu trú qua đêm trên vịnh cho rằng các du thuyền “ngủ đêm” trên vịnh được đóng mới với thiết kế có cả bếp nấu phục vụ ăn uống cho du khách nghỉ dài ngày trên vịnh và được đăng kiểm, kiểm tra. Trên tàu được lắp đặt hệ thống thu gom chất và nước thải theo đúng của tỉnh đề ra; các nhân viên phục vụ được đào tạo phục vụ khách bài bản; nhà bếp được cấp phép an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhiều du khách khẳng định việc ăn uống trên một tàu du lịch nghỉ đêm là hoàn toàn không xâm hại, không tác động đến di sản thế giới vịnh Hạ Long.

Do vậy, theo nhiều chủ tàu du lịch, việc ban hành quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước nên dựa trên những phân tích có tính khoa học hơn là nhận định, đánh giá cảm quan, có như vậy mới đem lại hiệu quả cao trong quản lý di sản thiên nhiên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục