Campuchia tiến tới mục tiêu xóa sổ bom mìn vào năm 2025

Thủ tướng Hun Manet nêu rõ cho đến nay, 13 trong số 25 tỉnh, thành ở Campuchia đã tuyên bố không còn bom mìn và nước này đang trên đà đạt được mục tiêu xóa sổ bom mìn vào năm 2025.
Campuchia tiến tới mục tiêu xóa sổ bom mìn vào năm 2025 ảnh 1Trẻ em chơi gần một biển cảnh báo bom mìn ở khu vực biên giới Campuchia với Thái Lan. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet ngày 30/10 cho biết nước này đang đạt nhiều tiến bộ hướng tới mục tiêu gỡ sạch bom mìn vào năm 2025.

Phát biểu tại tỉnh Kampong Speu, Thủ tướng Hun Manet nêu rõ: “Cho đến nay, 13 trong số 25 tỉnh, thành ở Campuchia đã tuyên bố không còn bom mìn và chúng ta đang trên đà đạt được mục tiêu xóa sổ bom mìn vào năm 2025.”

Các tỉnh, thành của Campuchia đã đạt được mục tiêu này là thủ đô Phnom Penh, Stung Treng, Kep, Prey Veng, Preah Sihanouk, Tbong Khmum, Kampong Cham, Svay Rieng, Kampong Chhnang, Kandal, Takeo, Kampot và mới đây nhất là Kampong Speu.

Thủ tướng Hun Manet cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Campuchia hiện thực hóa mục tiêu "không còn bom mìn."

Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom mìn còn lại sau chiến tranh (ERW).

Ước tính có khoảng 4 triệu đến 6 triệu quả mìn và các loại đạn dược khác còn sót lại sau 3 thập kỷ chiến tranh và xung đột ở nước này (kết thúc vào năm 1998).

[Phát hiện hơn 2.000 vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Campuchia]

Ông Ly Thuch, Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Hành động Bom mìn và Hỗ trợ Nạn nhân của Bom mìn Campuchia (CMAA) cho biết Campuchia là một trong những quốc gia có số trường hợp thương vong do bom mìn cao nhất thế giới.

Trong giai đoạn từ năm 1979 đến tháng 8/2023, các vụ nổ bom mìn đã cướp đi sinh mạng của 19.822 người và khiến 45.209 người khác bị thương.

Theo ông Ly Thuch, Campuchia đã rà phá bom mìn trên tổng diện tích 2.795km2 kể từ năm 1992 đến nay và vẫn cần tiếp tục rà phá thêm 538km2 cho tới năm 2025.

Ông Ly Thuch nhấn mạnh: “Hiện tại, khoảng 1,1 triệu người vẫn sống ở những khu vực nghi ngờ bị ô nhiễm bom mìn ở Campuchia”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục