Campuchia ủng hộ tất cả sáng kiến để chấm dứt cuộc xung đột Ukraine

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia cho biết ủng hộ tất cả các sáng kiến đưa ra giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột này, chẳng hạn như kế hoạch 12 điểm do Trung Quốc đề xuất.
Campuchia ủng hộ tất cả sáng kiến để chấm dứt cuộc xung đột Ukraine ảnh 1Một tòa chung cư bị phá huỷ trong xung đột, tại Saltivka thuộc vùng Kharkiv, Ukraine ngày 20/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, ông Tea Banh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại diễn đàn an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La, diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Tea Banh nói: “Campuchia ủng hộ tất cả các sáng kiến đưa ra giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột này, chẳng hạn như kế hoạch 12 điểm do Trung Quốc đề xuất."

Ông nêu rõ Campuchia kêu gọi Nga và Ukraine ngừng giao tranh và tập trung tìm cách giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Bộ trưởng Tea Banh nói: "Để chấm dứt xung đột, cần có sự nỗ lực chung của các bên, trong đó có việc ngừng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề, tôn trọng luật pháp quốc tế."

Bộ trưởng Tea Banh cũng cho hay Campuchia sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine trong công tác rà phá bom mìn trên lãnh thổ của nước này.

Đầu năm nay, Campuchia đã đào tạo 15 nhân viên rà phá bom mìn Ukraine theo cam kết của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức tại Phnom Penh tháng 11/2022.

[Nga, Ukraine, EU đều muốn giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine]

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nêu rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã, đang và sẽ cởi mở với bất kỳ kênh tiếp xúc nào liên quan các mục tiêu tại Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, theo ông Peskov, phương Tây không không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào khác để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine ngoài chiến trường.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi liệu Moskva có sẵn sàng đàm phán với bất kỳ đại diện nào của chính quyền Kiev hiện nay hay không, ông Peskov đã bày tỏ nghi ngờ điều này. Ông giải thích rằng luật pháp Ukraine cấm mọi cuộc đàm phán với chính quyền Nga.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Ukraine đã bác bỏ đề xuất hòa bình do Indonesia đưa ra cũng như bác bỏ đề xuất ngừng bắn và thành lập khu phi quân sự (tương tự mô hình ở Triều Tiên và Hàn Quốc) giữa Nga và Ukraine, do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giám sát.

Đề xuất này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đưa ra trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore, với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng nhiều nước, trong đó có Ukraine và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục