Trang mạng lowyinstitute.org/Reuters đưa tin đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế, cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, những căng thẳng đang ngày càng gia tăng từ dãy Himalaya cho đến Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan và những nơi khác,… có lẽ sự bố trí một cách chiến lược các vấn đề trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa các bộ trưởng nhóm Bộ Tứ tại Tokyo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị.
Thêm vào đó, sự kiện Tổng thống Mỹ bị mắc COVID-19 ở Washington ngay giữa mùa bầu cử hay thế hệ lãnh đạo hậu Abe lên cầm quyền ở Tokyo càng khiến cho hội nghị trở nên đáng quan tâm hơn.
Theo bài viết mới đăng trên trang lowyinstitute.org, khả năng đại dịch COVID-19 có thể trở thành một thời khắc tái sắp xếp trật tự trong hệ thống quốc tế hay chỉ đơn thuần là đẩy nhanh những xu hướng quốc tế phổ biến hiện nay vẫn đang còn nhiều tranh cãi, song có một điều chắc chắn là một sự điều chỉnh trong quan hệ với Trung Quốc đang xảy ra tại hầu hết các thủ đô lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sức mạnh không cân đối với các nước láng giềng và những tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đang kích động tầm nhìn của họ về một thế kỷ của Trung Quốc, trái ngược với một thế kỷ của châu Á.
[Sứ mệnh nâng tầm kinh tế xuyên Thái Bình Dương của "Bộ Tứ kim cương"]
Bắc Kinh nhìn Bộ Tứ thông qua lăng kính của một liên minh quân sự, như là trọng tâm của một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mục tiêu trực tiếp là kiềm chế Trung Quốc.
Bộ Tứ được coi là một kế hoạch của Tokyo nhằm cản trở và thay thế vị trí đứng đầu khu vực của Bắc Kinh, và chắc chắc nhóm này cũng khiến Bắc Kinh phải quan ngại.
Tuy nhiên theo Reuters, giới chuyên gia nhận định rằng cuộc họp lần này của Bộ Tứ không thể mang lại được một kế hoạch hành động cụ thể, dù bản thân sự tập hợp này cũng có thể được hiểu là một lời cảnh báo gửi đến Trung Quốc và củng cố những lo ngại của nước này rằng một ngày nào đó Bộ Tứ sẽ phát triển thành một cấu trúc chính thức như NATO.
Nỗ lực không mấy khả thi của Mỹ
Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6/10 đã đến Tokyo để gặp gỡ một vài trong số đồng minh thân cận nhất của Washington tại châu Á là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm củng cố sự ủng hộ chống lại cái mà Mỹ gọi là sức ảnh hưởng nguy hiểm và ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù Washington lâu nay vẫn tìm cách tích lũy sự ủng hộ của các đồng minh châu Á để chống lại Bắc Kinh, song các nước láng giềng của Trung Quốc vẫn muốn tránh một sự đối đầu trực tiếp để giữ các mối quan hệ kinh tế.
Chẳng hạn, sau cuộc gặp giữa ông Pompeo và người đồng cấp Australia Marise Payne, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã thảo luận về những quan ngại về “hành vi nham hiểm” của Trung Quốc trong khu vực - cách nói có thể kích động một sự phản ứng từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, tuyên bố của bà Payne thậm chí còn không nhắc đến từ Trung Quốc.
Theo Reuters, hầu hết các đồng minh châu Á của Mỹ lại không mấy hưởng ứng những tuyên bố căng thẳng gần đây của ông Trump và ông Pompeo và vẫn thận trọng để không đi quá xa, gây thù địch với Trung Quốc.
Vấn đề của các đồng minh châu Á của Washington nằm ở sự phụ thuộc của họ vào thương mại với Trung Quốc - là điểm đến hàng đầu của hàng xuất khẩu Australia trong năm 2019, là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Nhật Bản.
Ấn-Nhật-Australia tái định hình chính sách với Trung Quốc
Theo bài viết của Viện Lowy, trong số bốn thành viên của Bộ Tứ, Ấn Độ bị coi là mắt xích yếu nhất.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu ở Galwan năm nay đã đánh dấu một sự tái xem xét sâu sắc chính sách Trung Quốc của Ấn Độ.
Về mặt chiến lược, Ấn Độ tích cực xích lại gần Mỹ hơn và động lực củng cố Bộ Tứ của họ ngày càng lớn hơn.
Tại New Delhi, không chỉ riêng Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ mô tả Bộ Tứ là một “sự sắp xếp tốt” để đảm bảo sự tự do cho các tuyến hàng hải, vốn không chịu sự chi phối của bất kỳ một thế lực nào.
Mặc dù Ấn Độ không mong muốn được gia nhập bất kỳ hệ thống liên minh chính thức nào, song chắc chắn có một sự hợp tác chiến lược và liên kết sâu sắc hơn với các nền dân chủ có chung chí hướng. Ấn Độ coi bản thân là một thế lực giúp ổn định tình hình chứ không phải là một kẻ ngoài cuộc hay dửng dưng.
Trong khi đó, Australia lại đang đi đầu trong những tiếng nói phản đối cách hành xử của Trung Quốc, vốn làm suy yếu trật tự tự do dựa trên luật lệ.
Tất cả những việc làm của Australia như là vận động một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch COVID-19 hay phản đối tuyên bố về các quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông đều cho thấy Canberra đang thể hiện một cách hiệu quả vị thế lãnh đạo của một cường quốc tầm trung.
Về phần mình, trật tự khu vực nhiều biến động đã buộc Tokyo phải tích cực thể hiện là một bên ủng hộ các quy tắc. Tuy nhiên, một mình Nhật Bản thì không thể bảo vệ những chuẩn mực này.
Thay vào đó, họ đã liên kết một mạng lưới các mối quan hệ đối tác đa tầng, với liên minh Nhật-Mỹ là trọng tâm, và Bộ Tứ đã hình thành nên một trong những sợi dây chủ đạo trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản.
Đối thoại Bộ Tứ được khôi phục lại vào năm 2017 sau một thập kỷ gián đoạn. Rõ ràng là đã có những chia rẽ về tầm nhìn giữa các bên tham gia xung quanh bản chất của thách thức Trung Quốc mà mỗi thành viên của Bộ Tứ phải đối mặt, song một sự cân đối lợi ích đang thúc đẩy những mối liên kết dựa trên các mục tiêu chung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Abe Shinzo đã rời nhiệm sở, nhưng tầm nhìn của ông về Tứ giác Kim cương An ninh Dân chủ đã hình thành một trong những trụ cột quan trọng cho sự ổn định của một trật tự thời hậu COVID-19./.