Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã “đánh” một đòn mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều phân khúc rơi vào cảnh “đóng băng,” trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bất động sản du lịch.
Hầu hết các cơ sở du lịch trên cả nước đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa khiến bất động sản nghỉ dưỡng năm qua kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư, cũng như gặp bế tắc trong giao dịch.
Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam 2020 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), lượng căn hộ du lịch (condotel) bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2020, thị trường này giao dịch gần như “đóng băng.”
Tuy nhiên, quý 4/2020, phân khúc bất động sản căn hộ du lịch đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư, nhờ xu hướng du lịch tại chỗ từ dòng khách nội địa. Nhờ đó, một số dự án đã bắt đầu giao dịch trở lại nhưng lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch chỉ đạt khoảng 120 sản phẩm.
[Bất động sản năm 2020: Đầu năm "ngủ đông," cuối năm dần lóe sáng]
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs, nguyên nhân của tình trạng trên là do ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh COVID-19 khiến hiệu quả kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng; hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Bên cạnh đó, chính sách và động thái từ cơ quan chính quyền các địa phương liên quan đến bất động sản du lịch nói chung và loại hình căn hộ du lịch nói riêng trong năm 2020 vẫn chưa đột phá. Đặc biệt là các vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.
Theo VARs chính những hạn chế như trên đã khiến bất động sản du lịch nói chung cũng như căn hộ du lịch nói riêng chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh căn hộ du lịch, theo VARs, nguồn cung của loại hình biệt thự du lịch (resort villa), nhà phố thương mại (shophouse) năm 2020 cũng đạt gần 15.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ của các loại hình sản phẩm này xấp xỉ chỉ ở mức 8%.
Tuy nhiên, bước sang những tháng cuối năm (quý 4/2020), thị trường này bắt đầu sôi động trở lại khi một số chủ đầu tư lớn bắt đầu truyền thông mạnh mẽ và tung sản phẩm ra thị trường.
Xuất phát từ những tín hiệu hồi phục của thị trường vào cuối năm, VARs dự báo trong năm 2021 ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại một phần nhờ hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Chính phủ khóa mới sẽ quan tâm hơn đến chính sách pháp lý cho bất động sản du lịch, sẽ tạo niềm tin tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn, đa dạng dịch vụ, chất lượng cao, nhiều đại đô thị du lịch hoành tráng được hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2021. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy hiệu quả ngành kinh tế du lịch cho Việt Nam, tạo một lực hút mạnh các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản du lịch../.