Cần khắc phục chậm trễ trong đầu tư ngành giấy

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Tổng Công ty giấy Việt Nam, ngày 24/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Tổng Công ty cần khắc phục những chậm trễ trong đầu tư, xây dựng lại chiến lược phát triển trong 10 đến 15 năm tới trở thành đơn vị nòng cốt trong ngành sản xuất giấy của Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Tổng Công ty giấy Việt Nam, ngày 24/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Tổng Công ty cần khắc phục những chậm trễ trong đầu tư, xây dựng lại chiến lược phát triển trong 10 đến 15 năm tới trở thành đơn vị nòng cốt trong ngành sản xuất giấy của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, lợi thế của đất Việt Nam là ngành lâm nghiệp có thể phát triển thành ngành kinh tế mạnh vừa bảo vệ quốc phòng an ninh vừa bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn. Thực hiện chủ trương đến năm 2015, cả nước phấn đấu độ che phủ của rừng đạt trên 45%, đến nay đã đạt 39%. Hiện có 3 loại rừng là đặc dụng, phòng hộ và kinh tế; trong đó có 8 triệu ha rừng kinh tế, do vậy phải khai thác có hiệu quả diện tích rừng này.

Giấy là mặt hàng có thị trường lớn, bởi vì nhu cầu trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng. Từ đó, yêu cầu đặt ra là xây dựng Tổng công ty giấy trở thành đơn vị chủ lực trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ giấy, góp phần bình ổn giá cả.

Từ khi thành lập đến nay, Tổng Công ty sản xuất, kinh doanh đạt doanh thu và lợi nhuận đều tăng hàng năm. Riêng năm 2008, doanh thu của Tổng công ty đạt trên 5.600 tỷ đồng, tổng sản lượng giấy các loại đạt trên 315.000 tấn, lãi gần 250 tỷ đồng, chiếm 30% sản lượng toàn ngành và chủng loại phong phú, sản phẩm ngày càng có chất lượng, cạnh tranh được cả trên thị trường trong và ngoài nước, tài chính lành mạnh…

Bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của Tổng Công ty giấy Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế trong việc chậm chễ các dự án đầu tư nhà máy giấy Thanh Hóa, mở rộng giai đoạn 2 nhà máy giấy Bãi Bằng. Do vậy, Tổng Công ty phải tính toán đảm bảo đủ sản phẩm thiết yếu cho đời sống xã hội.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Công ty cần tranh thủ thời cơ thuận lợi để đầu tư quyết liệt các dự án này; đồng thời khi xây dựng chiến lược phát triển 10 đến 15 năm tới, cần đẩy mạnh cổ phần hóa toàn bộ Tổng Công ty, sắp xếp hợp lý để xứng đáng với vai trò chủ lực, nòng cốt của ngành giấy Việt Nam, gắn các lâm trường với nhà máy, xóa bỏ các công ty thu mua nguyên liệu trung gian.

Đối với dự án xây dựng Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại tỉnh Long An có công suất 100.000 tấn bột giấy/năm, Thủ tướng quyết định chuyển dự án xây dựng Nhà máy này cho Tổng Công ty quản lý và chuyển toàn bộ Ban Quản lý dự án sang làm việc tại Tổng Công ty.

Giải quyết một số khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Thủ tướng cũng xem xét, giải quyết một số kiến nghị của Tổng Công ty như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% đối với việc thu gom, mua bán và tái chế giấy phế liệu, giấy loại; xem xét cho vay ưu đãi đối với một số dự án trồng rừng nguyên liệu ở vùng sâu, vùng xa.

Việc đảm bảo quy chuẩn môi trường, các chỉ số về nước thải khi sản xuất giấy, bột giấy, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục