Cần làm rõ cơ chế dự án khu trung chuyển hàng hóa cửa khẩu

Lạng Sơn và Cao Bằng cần rà soát lại nội dung dự án khu trung chuyển hàng hóa, để thấy rõ được vai trò và khả năng kết nối cao của các khu trung chuyển này.
Cần làm rõ cơ chế dự án khu trung chuyển hàng hóa cửa khẩu ảnh 1Các xe container chở hàng hóa tập kết tại bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục để xuất khẩu qua biên giới. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Ngày 18/8, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp bàn về dự án khu trung chuyển hàng hóa tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết báo cáo của Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đã nêu rõ được về tính chất, công năng, tính khả thi và cấp thiết của hai dự án xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn và cửa khẩu Trà Lĩnh-Cao Bằng.

Nếu có thể xây dựng hai dự án sớm trong thời gian tới sẽ đem lại hiệu quả cao cho Việt Nam, không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản mà còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng cần rà soát lại nội dung dự án, để thấy rõ được vai trò của khu trung chuyển hiện đại và khả năng kết nối cao của các khu trung chuyển này. Đặc biệt cần phân tích đối chứng, so sánh số liệu vận chuyển và thông quan nông sản vào thị trường Trung Quốc một cách cụ thể hơn nữa.

Thứ trưởng cũng đề nghị hai địa phương tiếp thu, tổ chức triển khai thực hiện đề án, đồng thời làm rõ năng lực địa phương trong tổ chức thực hiện, để từ đó, có các kiến nghị liên quan đến hỗ trợ kinh phí xác đáng hơn, bởi nếu chỉ trông đợi vào ngân sách nhà nước và nguồn trái phiếu thì sẽ không chủ động được tiến độ dự án.

Đối với doanh nghiệp quan tâm đầu tư, địa phương cũng cần cụ thể hóa với các doanh nghiệp về chính sách, thu hút đầu tư..., để thống nhất sự phân định và khả năng tham gia dự án; thống nhất nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp với các khu trung chuyển, kết nối đồng bộ theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho biết tỉnh đã phê duyệt hai quyết định, một là đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu trung chuyển hàng hóa và chế xuất với tổng mức đầu tư hơn 102 tỷ đồng và hai là dự án đầu tư xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu trị giá 986 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay địa phương cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn và đã đề nghị các Bộ ngành trung ương hỗ trợ, như việc bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tạo mặt bằng, cấp nước, điện, từ đó thu hút các nhà đầu tư vào các khu chức năng trong Khu trung chuyển hàng hóa tại tỉnh Lạng sơn; đồng thời xây dựng và ban hành cơ chế chính sách quản lý, kinh doanh, khai thác quản lý phương tiện, hàng hóa, con người.

Dự án đầu tư xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm, thủy sản tại cửa khẩu Trà Lãnh-Cao Bằng có diện tích khoảng 100ha, vốn khái toán khoảng 700 tỷ đồng, nhằm rút ngắn lưu thông hàng hóa nông sản, hải sản qua các cửa khẩu khác.

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc cũng cho biết do Cao Bằng là tỉnh nghèo, khả năng cân đối ngân sách địa phương để thực hiện dự án với số vốn khoảng 700 tỷ đồng (theo khái toán) là rất khó khăn, không đáp ứng được, vì vậy cần có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương, nhất là việc đầu tư các hạng mục quan trọng như giải phóng mặt bằng, tái định cư, san nền, hệ thống hạ tầng giao thông, cấp điện, nước. Do đó, đề nghị Chính Phủ và các Bộ xem xét đưa dự án này vào danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cho phép áp dụng một số chính sách, cơ chế thông thóang hơn về thủ tục hành chính, thủ tục hải quan tại Khu trung chuyển để dự án hoạt động có hiệu quả ngay từ khi đi vào khai thác, vận hành.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến các đơn vị chức năng cho rằng, địa phương cần phải làm rõ những khu trung chuyển này có trùng lặp chức năng với các khu kinh tế cửa khẩu khác trên địa bàn hay không; tính toán xem các hạng mục nào phải từ nguồn vốn ngân sách và hạng mục nào thì thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư, từ đó xây dựng cơ chế đầu tư cho phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục