Cần Thơ: Doanh nghiệp nỗ lực "xoay" thưởng Tết cho người lao động

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến mức thưởng Tết của người lao động ít nhiều bị sụt giảm, song các doanh nghiệp đã cố gắng hết sức không để xảy ra tình trạng nợ lương người lao động.
(Ảnh minh họa: Vietnam+)

Báo cáo mới nhất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ cho thấy, hầu hết chỉ số thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022 mà cách doanh nghiệp dự kiến có sự sụt giảm so với năm trước.

Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cao nhất là hơn 43 triệu đồng, thấp hơn 70 triệu đồng so với mức thưởng cao nhất năm trước và cũng là mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 200.000 đồng, giảm 100.000 đồng so với mức thưởng thấp nhất của năm trước. Các mức thưởng này đều thuộc khối doanh nghiệp dân doanh.

Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 thấp nhất là 100.000 đồng, giảm 100.000 đồng so với năm trước, cũng thuộc doanh nghiệp dân doanh.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2022 cao nhất là gần 130 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp FDI. Con số này cao hơn mức trần của năm 2021 gần 21 triệu đồng và là mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất trong vòng 3 năm gần đây.

[Tết Nguyên đán 2022: Doanh nghiệp xoay xở tiền thưởng cho lao động]

Đánh giá về sự sụt giảm hầu hết các mức thưởng Tết năm nay, ông Tạ Minh Phúc Khương, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu vào cuối năm nên gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, mức thưởng cho người lao động còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và tiến độ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Việc thực hiện thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay cho người lao động là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong 72 báo cáo của các doanh nghiệp gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội không có doanh nghiệp nào để xảy ra tình trạng nợ lương người lao động.

Dù kết quả này chỉ mang tính đại diện, không thể phản ánh chính xác về tình hình thực hiện việc trả lương, thưởng của các doanh nghiệp trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay trên toàn địa bàn thành phố nhưng cũng đã phần nào phản ánh được sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp trong việc quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động.

Đây được xem là một trong những giải pháp để “khuyến khích, thu hút” người lao động trở lại làm việc trong giai đoạn khôi phục hoạt động doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Trong năm 2021 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Cần Thơ. Đợt dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại thành phố.

Một số doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất dẫn đến người lao động thiếu hoặc mất việc làm, ảnh hưởng thu nhập và đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh hưởng nặng nề nhất là người lao động tại các khu nhà trọ, các khu phong tỏa, cách ly…

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, có 163 doanh nghiệp tại Cần Thơ có tổ chức công đoàn phải tạm dừng hoạt động sản xuất khiến gần 42.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Trước tình hình đó, các cấp công đoàn thành phố đã trích gần 18 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn tích lũy để chi cho nhiều gói hỗ trợ, an sinh cho đội ngũ y tế tuyến đầu, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, góp phần chăm lo đời sống cũng như chia sẻ khó khăn với các lực lượng lao động trên địa bàn.

Thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố sẽ chủ động cùng với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, đảm bảo quyền của người lao động; kịp thời giải quyết và kiến nghị những vấn đề bức xúc của công nhân, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục