Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân do đâu?

Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.
Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân do đâu? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chị P.T.H (43 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội), một bệnh nhân đã từng trải qua cơn đột quỵ cách đây 2 năm kể lại: “Hôm đó, sau khi ngủ dậy tôi vội vã đi tắm để đi làm. Khi đó, tự nhiên cơ thể tôi lạnh buốt rồi ngã quỵ. Người thân trong gia đình thấy vậy đã lập tức đưa tôi đến bệnh viện trong tình trạng méo miệng, không nói và cử động được.”

Rất may nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, chị H đã qua được cơn nguy kịch và sau khi tích cực điều trị phục hồi, chị đã đi lại được.

Trường hợp của chị H không phải là hiếm khi bị đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ. Đặc biệt cũng đã có cả trường hợp đột quỵ ở trẻ em.

Tháng 8/2022, tại Cần Thơ, các bác sỹ Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ đã can thiệp, cứu sống bé trai 4 tuổi bị đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não, độ tuổi mà trước đây gần như chưa từng được ghi nhận.

Cháu V.T.L (sinh năm 2018, quê Đồng Tháp) bị sốt, nôn, tiêu chảy nên được gia đình đưa đến bệnh viện nhi điều trị vào cuối tháng 7/2022. Tuy nhiên, tình trạng của cháu L ngày một diễn tiến nặng nên được chuyển qua Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch.

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị huyết khối tĩnh mạch não cực nặng, nguy cơ tử vong rất cao vì cơ thể cháu còn nhỏ, khả năng điều trị thuốc chống đông và can thiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Khai thác tiền sử từ gia đình, bệnh nhi đã từng bị mắc COVID-19 trong tháng 1/2022. Ngay lập tức, các bác sỹ hội chẩn khẩn cấp và quyết định can thiệp nội mạch lấy huyết khối vào ngày 8/8.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi hiện phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói, yếu liệt.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ, hơn 15 năm điều trị bệnh lý mạch máu não, trung bình mỗi năm ông chỉ gặp từ 1-2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nặng. Những năm sau đại dịch COVID-19, theo y văn thế giới cũng như ghi nhận tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ, không kể độ tuổi, giới tính.

[Chủ động kiểm soát và phòng tránh nguy cơ đột quỵ]

Lý giải điều này, y văn đã kết luận bệnh nhân sau mắc COVID-19 có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch; tăng phản ứng viêm; gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ trong cộng đồng cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim.

Do đó, qua trường hợp cụ thể này, các bác sỹ khuyến cáo người nhà khi bệnh nhân (kể cả bệnh nhi) có dấu hiệu mờ mắt, buồn nôn và nôn, đau nhức đầu dữ dội, rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, liệt nửa người, suy kiệt cơ thể, yếu người và không còn tỉnh táo, co giật, ngất xỉu, hôn mê… thì cần nghĩ đến khả năng đột quỵ.

Đột quỵ ở người trẻ là gì?

Đột quỵ ở người trẻ là trường hợp nhóm đối tượng dưới 45 tuổi bị đột quỵ, do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não.

Đột quỵ do xuất huyết não: Chiếm khoảng 15% các trường hợp đột quỵ, xảy ra do thành động mạch xơ cứng và tạo ra vết nứt, vỡ, từ đó khiến máu bị chảy ra bên ngoài. Tình trạng đột quỵ do xuất huyết não đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Đột quỵ liên quan đến thiếu máu não cục bộ: Dạng đột quỵ này phổ biến hơn, chiếm 85% các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi này là do cục máu đông cản trở hoặc làm tắc nghẽn dòng máu di chuyển lên não để nuôi dưỡng các tế bào não.

Ngoài ra, còn có trường hợp đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua hay còn gọi là T.I.A là tình trạng động mạch não bị tắc nghẽn nhưng sau đó tự lưu thông (diễn tiến trong vòng 1 giờ).

Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.

Theo các thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Trên thế giới, thông tin từ Hội Đột quỵ Thế giới năm 2022 cho biết, mỗi năm có đến hơn 16% các đối tượng bị đột quỵ mới chỉ trong độ tuổi 15-49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm thì có đến 6% là người trẻ.

Có thể thấy, dù nguy cơ đột quỵ tăng cao khi chúng ta già đi, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người trẻ tuổi không có nguy cơ bị đột quỵ. Bất kể ai, dù già hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi

Rối loạn chuyển hóa mỡ máu

Các khảo sát cho thấy người trẻ tuổi có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao do thói quen ăn kém thiếu khoa học, thường xuyên ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm chế biến sẵn,… Tỷ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) ở người rối loạn chuyển hóa mỡ máu cũng có liên quan mật thiết đến tình trạng đột quỵ nhồi máu não và các bệnh lý não bộ khác.

Béo phì, lười vận động

Ngồi máy tính nhiều giờ đồng hồ, lười vận động, ít tập thể dục,… chính là những nguyên nhân khiến tình trạng đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Càng ít vận động, nguy cơ thừa cân, béo phì càng cao.

Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân do đâu? ảnh 2Béo phì, lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. (Nguồn: salute)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có chỉ số khối cơ thể BMI >30 và chỉ số vòng eo trên 80cm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Tăng huyết áp

Thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên ăn các loại thức ăn đóng hộp và thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối làm gia tăng tỷ lệ cao huyết áp ở người trẻ. Đây cũng là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Đái tháo đường

Nhiều người trẻ có thói quen ăn, uống thực phẩm nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, trà sữa,… Đái tháo đường (tiểu đường) gây tổn thương tế bào nội mạc, từ đó khiến các phân tử mỡ chui qua lớp nội mạc vào trong một cách dễ dàng, hình thành mảng xơ vững gây hẹp lòng mạch. Do đó, người trẻ nếu không ăn uống lành mạnh, thường xuyên ăn ngọt và có nguy cơ bị đái tháo đường thì nguy cơ bị đột quỵ cũng sẽ cao hơn.

Sử dụng chất kích thích

Một trong những nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi phổ biến đó chính là sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là uống rượu bia và các loại thức uống có cồn.

Do đặc tính công việc cần xã giao, mở rộng mối quan hệ cũng như thường xuyên tham gia các buổi tiệc, giới trẻ thường xuyên uống nhiều rượu bia, làm tăng nguy cơ chảy máu não dẫn đến đột quỵ.

Thuốc tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai tương đối an toàn với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nếu sử dụng ở liều lượng cao, không đúng chỉ định của bác sỹ thì các loại thuốc tránh thai có chứa estrogen sẽ làm tăng huyết áp và tăng khả năng đông máu, từ đó gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên, vượt quá liều lượng không cho phép chính là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi hiện nay.

Bệnh lý dị dạng mạch máu não

Dị dạng mạch máu não là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi tương đối phổ biến và có thể để lại những di chứng nặng nề khi không kịp phát hiện và điều trị.

Mạch máu não phát triển bất thường sẽ tạo thành các túi phình gây nên tình trạng đột quỵ xuất huyết não hoặc làm hẹp mạch máu não và gây nhồi máu não.

Hút thuốc lá thường xuyên

Hút thuốc lá thường xuyên làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ do trong thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hóa học.

Các chất độc này khi đi vào trong máu sẽ phá hủy các tế bào trong cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu não.

Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ

Các dấu hiệu tai biến ở người trẻ thường gặp bao gồm méo miệng, lệch miệng, thay đổi giọng nói, nói ngọng hoặc dính chữ, khó nói. Người bệnh thậm chí không nói được những câu đơn giản nhất.

Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân do đâu? ảnh 3(Nguồn: Open Access News)

Đau hoặc nhức đầu dữ dội. Cơn đau có thể không thuyên giảm dù đã sử dụng các loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đau đầu không phải là một dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ mà ai cũng gặp phải. Nhiều trường hợp bị đột quỵ nhưng không có triệu chứng đau đầu.

Bị yếu liệt một bên mặt, khuôn mặt mất cân đối giữa hai bên. Quan sát thấy một bên mặt người bệnh bị chảy xệ, khi cười sẽ méo mó.

Khó cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường khiến người bệnh không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc.

Mất thị lực, mờ mắt, hoa mắt, nhìn không rõ,… cũng là những triệu chứng đột quỵ ở người trẻ thường gặp.

Khoảng 12% bệnh nhân có “đột quỵ cảnh báo,” tức cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc “đột quỵ nhỏ” trong vòng 90 ngày trước khi diễn ra cơn đột quỵ. TIA có thể gây ra các triệu chứng như đau nửa đầu dữ dội và một số biểu hiện đột quỵ ở người trẻ khác.

Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường kết thúc nhanh nên nhiều người không nhận biết được hoặc chủ quan, không tin rằng đây là dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ để chủ động đi khám phòng ngừa bệnh kịp thời.

Biến chứng đột quỵ ở người trẻ

Biến chứng đột quỵ ở người trẻ nói riêng cũng như di chứng đột quỵ nói chung vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Các biến chứng có thể gặp ở người trẻ bị đột quỵ có thể kể đến như co cứng chi, liệt tay, chân hoặc có thể liệt nửa người, liệt cả hai tay và hai chân; suy giảm khả năng vận động, không thể đi lại như bình thường; rối loạn ngôn ngữ vĩnh viễn; gặp khó khăn khi nuốt, khó nhai, thức ăn bị trào ngược lên khi nuốt hoặc mắc nghẹn trong cổ họng; phù não, ảnh hưởng đến dòng chảy của oxy và máu lên não; viêm phổi gây khó thở, ho có đờm, ớn lạnh, sốt; nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu, đau rát khi đi tiểu; động kinh, co giật; huyết khối tĩnh mạch sâu; trầm cảm, lo lắng quá mức, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, cảm thấy bản thân vô dụng và là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Nặng nề hơn, người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sống đời sống thực vật vĩnh viễn, tốn nhiều chi phí điều trị và tạo áp lực cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều trường hợp tử vong vì không được điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ

Cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ là vấn đề được nhiều người quan tâm trong bối cảnh các ca đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa như hiện nay. Điều quan trọng hơn hết chính là duy trì lối sống khoa học:

- Nên hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ;

- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài;

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas;

- Không sử dụng các chất kích thích;

- Thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu;

- Khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường…

- Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục