Đợt nắng nóng "như thiếu đốt" đang khiến nhiệt độ lập kỷ lục tại nhiều nước châu Âu trong tuần này có khả năng dịch chuyển tới Greenland - vùng đất quanh năm bốn bề đều băng tuyết, làm dấy lên nguy cơ lượng băng tại đây giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận hồi năm 2012.
Phát biểu tại cuộc họp của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26/7, người phát ngôn Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc Clare Nullis cho biết đợt khí nóng dịch chuyển từ Bắc Phi xâm chiếm các nước châu Âu không chỉ khiến nền nhiệt tại nhiều nơi "xô đổ" những kỷ lục đã lập trước đó, mà thậm chí còn cao hơn những mức kỷ lục cũ tới 2, 3, thậm chí 4 độ C.
Quan chức này mô tả đây thực sự là điều "không thể tin," đồng thời cho rằng các đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra ngày càng thường xuyên có liên quan tới hiện tượng biến đổi khí hậu.
Bà Nullis cũng nói rằng theo dự báo, luồng không khí trên đang mang hơi nóng tới Greenland - dải băng lớn thứ 2 thế giới ở Bắc Cực (sau dải băng ở Nam cực), có khả năng khiến nhiệt độ tại đây tăng cao và đẩy nhanh quá trình tan băng. Trong nhiều tuần gần đây, lượng băng tại Greenland đã tan chảy rất nhanh. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Greenland đã mất 160 tỷ tấn băng do tình trạng tan băng trên bề mặt, tương đương với 64 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Hơn 80% Greenland bị băng giá bao phủ. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đến vùng đất của người dân quanh năm sống với băng tuyết này khi diện tích các dải băng tại đây ngày một giảm.
Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ tan chảy như hiện nay, con số này có thể còn tăng. Kể từ năm 1972 đến nay, lượng băng tan chảy của Greenland đã góp phần làm mực nước biển dâng cao tổng cộng 13,7mm.
Hiện tốc độ băng tan chảy tại Greenland nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là những thông tin cảnh báo đáng báo động về tình trạng ấm lên của Trái Đất./.