Cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu

Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu về tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật là lời cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu ảnh 1Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng xuất khẩu, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nếu tình trạng vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam có thể đánh mất thị trường xuất khẩu đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Đây là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói” do Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức ngày 24/8 tại Lạng Sơn.

Vi phạm về kiểm dịch thực vật có chiều hướng gia tăng

Trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Vì vậy, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

[Mã số vùng trồng: Chìa khóa mở cửa nông sản ra thế giới]

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng.

Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Australia là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu ảnh 2Sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, gần đây Cục Bảo vệ Thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc).

Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung cũng nhận định các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, một thị trường rất quan trọng của chúng ta.

“Căn nguyên của vấn đề chính là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Thực tế vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng thu hái, xuất khẩu sản phẩm không đạt chất lượng vẫn diễn ra,” Thứ trưởng Hoàng Trung cho hay.

Ưu tiên nông sản đã ký kết nghị định thư

Nguyên nhân chính của các vấn đề hiện nay là do địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; trách nhiệm trong kinh doanh của một bộ phận người dân, doanh nghiệm chưa tốt; liên kết sản xuất đã được hình thành ban đầu nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, năng lực và trách nhiệm của một số địa phương trong kiểm tra điều kiện ban đầu đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn yếu dẫn đến tỷ lệ các mã số được địa phương cấp bị nước nhập khẩu từ chối còn cao.

Trong khi đó, xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Điều này khiến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật; các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên khắt khe.

Cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu ảnh 3Giải pháp đưa ra là cần kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh các quốc gia có lợi thế về xuất khẩu nông sản như Thái Lan và một số quốc gia Nam Mỹ… cũng đang tích cực thay đổi, cải tiến hệ thống sản xuất nông nghiệp để mở rộng thị phần sang các thị trường tiềm năng. Những điều này đang thúc ép chúng ta phải thay đổi, nếu không sẽ tụt hậu và mất thị trường.

Trong khi đó, thời gian qua Việt Nam vẫn nhận được những thông báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và không được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu đang là lời cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ Thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng; phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.

Cục Bảo vệ Thực vật cũng có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân được cấp mã số cùng trồng, cơ sở đóng gói xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý mã số xuất khẩu để kết nối với địa phương, các vùng trồng và cơ sở đóng gói.

“Trước mắt sẽ ưu tiên thực hiện đối với các sản phẩm đã có ký kết nghị định thư hoặc thống nhất yêu cầu về xuất khẩu,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng cần rà soát các vùng trồng đã cấp mã số, không cấp mã số cho các vùng trồng nằm trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (trừ trường hợp cây dược liệu dưới tán rừng theo quy định của pháp luật)… hoặc những vùng có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng-cơ sở đóng gói-cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật-doanh nghiệp xuất khẩu; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu; thường xuyên truy cập website http://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để cập nhật các thông tin, quy định mới của nước nhập khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục