Cảnh báo về lạm phát của các nền kinh tế châu Á

Theo tạp chí Nhà kinh tế của Anh, sau khi giảm trong 2009, lạm phát đã quay trở lại tại hầu như toàn bộ các nền kinh tế châu Á.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế của Anh ngày 2/8 cho rằng sau khi giảm trong năm 2009, lạm phát đã quay trở lại đối với gần như tất cả các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản.

Tuy nhiên mức lạm phát trung bình vẫn thấp hơn so với năm 2008 và đã bắt đầu chậm lại hoặc ổn định.

Tạp chí Nhà kinh tế cho biết ngoại trừ Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Việt Nam, lạm phát vẫn đang nằm trong phạm vi phù hợp đối với các ngân hàng trung ương. EIU cho rằng lạm phát của châu Á sẽ tương đối ổn định trong một vài năm tới, tuy nhiên các ngân hàng trung ương phải cảnh giác với nguy cơ giá dầu và lương thực toàn cầu biến động.

EIU dự báo mức lạm phát trung bình của châu Á, trừ Nhật Bản, trong năm 2010 là 4,9%, cao hơn mức 2,7% của năm 2009 nhưng thấp hơn mức 6,9% của năm 2008, trong đó 11 trên tổng số 18 nước châu Á mà EIU nghiên cứu sẽ có mức lạm phát dưới 5%.

Mức lạm phát trung bình của khu vực bị kéo lên cao chủ yếu là do Ấn Độ và Pakistan, hai nước có mức lạm phát trên 10%.

Một yếu tố khác có thể làm lạm phát tăng đó là sự phục hồi kinh tế nhanh chóng đang diễn ra ở châu Á. Trong quý I/2010, tất cả các nền kinh tế chính của châu Á đều tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn mức được cho là bền vững.

Dự báo là tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa cuối của năm 2010. Tuy nhiên, với việc chính sách vẫn mang tính chất hỗ trợ phát triển, lạm phát có nguy cơ nổi lên trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Từ đánh giá trên, EIU cho rằng ngân hàng trung ương các nước châu Á có hai sự lựa chọn chính để kiểm soát lạm phát: tăng lãi suất hoặc để cho đồng tiền lên giá.

Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương trong khu vực như Australia, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, và Malaysia đã nâng lãi suất cơ bản. Tăng lãi suất là cách hiệu quả nhất để "hạ nhiệt" tốc độ tăng trưởng kinh tế và hạn chế áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, với việc lãi suất của Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng euro dự kiến vẫn ở mức rất thấp cho đến hết năm 2011, lãi suất cao hơn ở châu Á có thể dẫn đến dòng tiền nóng tạm thời đổ vào. Điều này có thể dẫn đến việc tạo ra các bong bóng tài sản gây bất ổn và làm cho việc hoạch định chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn.

Lựa chọn thứ hai là cho phép đồng nội tệ tăng giá. Tính đến nay, các ngân hàng trung ương khu vực châu Á đều thận trọng trong việc cho phép đồng nội tệ tăng giá so với đồng USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục