Cảnh sát Italy bất lực trước tình trạng tội phạm gia tăng

Cảnh sát Italy cảm thấy bất lực trước tình trạng gia tăng của tội phạm trong thời điểm họ bị cắt giảm nghiêm trọng ngân sách.

Cảnh sát Italy đang cảm thấy bất lực trước tình trạng gia tăng của tội phạm trong thời điểm họ bị cắt giảm nghiêm trọng ngân sách cho hoạt động nghiệp vụ an ninh của mình.

Ông Alessandro Pansa, người đứng đầu cảnh sát Italy đã tuyên bố một cách thẳng thắn trên nhật báo La Repubblica rằng các lực lượng giữ gìn an ninh Italy không thể đảm bảo an toàn cho các công dân trên toàn lãnh thổ đất nước này một khi không đủ ngân sách cũng như quân số để thực hiện các hoạt động.

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của ba lực lượng an ninh, gồm cảnh sát Italy, cảnh sát quân sự và cảnh sát tài chính, gióng lên một lời cảnh báo về thực trạng của họ trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế buộc chính phủ Italy phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng gây nhiều tranh cãi, dẫn đến việc cắt giảm chi phí cho hàng loạt hạng mục cho phúc lợi xã hội, giáo dục và cả gìn giữ trật tự trị an.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, quân số của ba lực lượng an ninh này sẽ giảm 20.000, xuống còn 94.000 người. Đó là đợt cắt giảm lớn nhất kể từ nhiều năm qua.

Trong bốn năm qua, Italy đã cắt 2,5 tỷ euro ngân sách cho việc giữ gìn an ninh trật tự, và cho "về hưu non" hơn 30.000 nhân viên công lực. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của họ.

Chỉ riêng ở Milan, thành phố lớn nhất miền Bắc Italy, cứ 3 xe cảnh sát thì 1 xe nằm trong đồn vì không có xăng để chạy. Việc điều tra các vụ án cũng trở nên khó khăn hơn vì thiếu nguồn tài chính để duy trì hoạt động cho cảnh sát điều tra.

Hậu quả của việc cắt giảm không chỉ tác động tiêu cực lên ngành an ninh mà còn chính xã hội nước này. Kể từ năm 2010 đến nay, số các vụ cướp giật, trấn lột, giết người và các vụ hình sự khác ở hầu hết các địa phương trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn, đã tăng 20%.

Trong tám tháng đầu năm 2013, chỉ riêng ở Napoli, số vụ hiếp dâm tăng 11,4%; ở Roma, số vụ cố ý giết người tăng 43%; trong khi ở Milan, số vụ cướp vặt tăng tới 73%.

Theo ông Pansa, nếu có đủ ngân sách và không bị cắt giảm về nhân sự, cảnh sát có thể ngăn cản được xu hướng tăng mạnh của tình trạng tội phạm này. Ông cho rằng, khủng hoảng kinh tế là một trong những nguyên nhân gia tăng tội phạm và vì thế, ngân sách cho an ninh không thể bị đụng chạm.

Italy hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế dài nhất kể từ hai thập kỷ qua, với mức tăng trưởng GDP đã ở mức âm liên tục kéo dài từ quý 3/2011 đến nay.

Chính phủ Italy đang hy vọng rằng, trong quý 4 này, suy thoái sẽ bị chặn lại và nước này sẽ có những dấu hiệu hồi phục vào năm 2014.

Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội, khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới mức kỷ lục 12,5% tính cho đến chín tháng đầu năm 2013.

Tội phạm đặc biệt phát triển ở miền Nam Italy, đặc biệt là trong thanh niên, với tỷ lệ thất nghiệp trung bình 40%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục