Trang mạng "Fulcrum.sg" (Singapore) đăng bài bình luận của tác giả Daljit Singh - nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình nghiên cứu chính trị và chiến lược khu vực, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore ISEAS Yusof Ishak - về sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương.
Tác giả cho rằng ASEAN cần theo dõi sát sự cạnh tranh này và rút ra những bài học cần thiết cho an ninh của mình. Nội dung bài bình luận như sau:
Các quốc đảo ở Thái Bình Dương gần đây đã gây được sự chú ý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
[Lãnh đạo Trung-Mỹ trao đổi thẳng thắn về quan hệ song phương]
Những cái tên như Quần đảo Solomon, Kiribati, Palau và Liên bang Micronesia - vốn hiếm khi được đề cập đến ở Đông Nam Á ngoại trừ liên quan đến vấn đề mực nước biển dâng hoặc thiên đường thu hút du lịch - gần đây đã nổi lên như một đấu trường cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.
Trung Quốc đã “nuôi dưỡng” các quốc gia Nam Thái Bình Dương bằng viện trợ và nguồn vốn đầu tư, kể cả vào cơ sở hạ tầng, trong nhiều năm.
10 trong số 16 thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) là một phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo truyền thống, Mỹ và các đồng minh Australia và New Zealand - cả 2 đều là thành viên của PIF - vẫn đang có ảnh hưởng chi phối ở Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc đang nỗ lực hết sức nhằm thiết lập một chỗ đứng về mặt an ninh ở các đảo Thái Bình Dương đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo ở Washington và Canberra.
Cuối tháng 3/2022, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon.
Ngày 22/4, Kurt Campbell - thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đến Quần đảo Solomon để gặp Thủ tướng Manasseh Sogavare.
Mặc dù không có thông tin chi tiết nào về các cuộc thảo luận được công bố, song có thể Campbell đã cảnh báo ông Sogavare rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon sẽ là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được” đối với Mỹ.
Ông Campbell cũng đã nhấn mạnh rằng “từ nay trở đi,” Washington sẽ tập trung chú ý tới đảo quốc này và tái thiết lập sứ quán Mỹ tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon.
Thủ tướng Sogavare đã đưa ra đảm bảo rằng sẽ không có cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Solomon, nhưng Australia và Mỹ vẫn lo ngại về vai trò tiềm năng của Trung Quốc đối với an ninh nội bộ của Quần đảo Solomon và sự gia tăng khả năng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại đây.
Cuối tháng 5/2022, Trung Quốc đã gia tăng hơn nữa “sự đặt cược” khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cố gắng thiết lập một thỏa thuận an ninh đa phương với 10 thành viên PIF, nhưng không thành công.
Nếu thành công trong nỗ lực của mình, Trung Quốc hẳn sẽ chia rẽ tổ chức khu vực này.
Ngày 12/7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, trong bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo PIF ở Fiji, đã công bố một loạt cam kết mới của Mỹ, trong đó có việc thiết lập các đại sứ quán mới của Mỹ ở Kiribati và Tonga, tăng gần gấp 3 lần đóng góp của Mỹ cho Cơ quan Nghề cá Diễn đàn Thái Bình Dương (với khoảng 600 triệu USD trong thập kỷ tới), lần đầu tiên bổ nhiệm một Đặc phái viên Mỹ tại PIF, và sự quay trở lại của các tình nguyện viên Đội Hòa bình Mỹ, trước hết là đến Fiji, Tonga, Samoa và Vanuatu.
Mỹ cũng sẽ chuẩn bị và công bố chiến lược quốc gia đầu tiên của mình về các đảo Thái Bình Dương.
Điều này có thể đồng nghĩa với những nỗ lực lớn hơn nhằm đối phó với vấn đề mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, đây vốn mối quan tâm hàng đầu của các đảo quốc Thái Bình Dương, và tiếp theo là phát triển kinh tế và bảo vệ nghề cá.
Ngoài ra, Mỹ sẽ lôi kéo các đồng minh và đối tác vào một cơ chế điều phối mới có tên là Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh (PBP), ban đầu bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh, để hỗ trợ các đảo ở Thái Bình Dương và củng cố chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương.
Điều gì giải thích cho những bước đi táo bạo của Trung Quốc ở Thái Bình Dương? Trung Quốc chơi một trò chơi dài hơi và những hành động này sẽ có kết quả vào một thời điểm thích hợp trong tương lai.
Thời điểm hiện tại của các hành động này có thể đã bị ảnh hưởng bởi cảm giác bị cản trở từ những bước đi của Mỹ trên “bàn cờ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như việc thể chế hóa Nhóm Bộ Tứ (Quad), sự hình thành Liên minh AUKUS, sự tham gia của các nước châu Âu vào mối quan hệ an ninh châu Á, một Nhật Bản đang “tái vũ trang”, và quan hệ chặt chẽ hơn của Washington với Đài Loan.
Còn biện pháp đối phó nào tốt hơn là một biện pháp tấn công nhằm vào “phần mềm yếu” trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ? Các hòn đảo ở Thái Bình Dương nằm trên một số tuyến đường biển giữa nước Mỹ lục địa với khu vực Đông Á và Australia, và sẽ có tầm quan trọng chiến lược trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Á (vấn đề Đài Loan).
Trong trường hợp như vậy, các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon hoặc Kiribati sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường an ninh của Australia và có thể là cả môi trường an ninh của Mỹ, điều này giải thích tại sao cả Washington và Canberra đã phản ứng mạnh mẽ trước các động thái của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có các yếu tố lịch sử và cảm xúc đóng vai trò ở đây. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 80 năm trận chiến giữa lực lượng Mỹ và Nhật Bản ở Biển Coral và Guadalcanal ở Quần đảo Solomon, vốn đã ngăn chặn bước tiến của quân đội Nhật Bản ở Nam Thái Bình Dương và cản trở sự đổ bộ của Nhật Bản lên New Guinea (vốn có thể là một bước đệm dẫn đến một cuộc xâm lược vào Australia).
Đây cũng là năm kỷ niệm 80 năm Trận chiến Midway, trận đánh kết thúc các bước tiến quân sự của Nhật Bản ở trung tâm Thái Bình Dương hướng tới Hawaii.
Những địa điểm này, cùng với những địa điểm khác như Tarawa ở Kiribati ngày nay và Saipan ở Marianas, có thể gợi lại ký ức của người Mỹ về nhiều quân nhân đã chết trong các trận chiến đẫm máu trong Chiến tranh Thái Bình Dương.
Các động thái của Trung Quốc ở Thái Bình Dương sẽ tiếp tục làm tổn hại mối quan hệ Mỹ-Trung. Những người nghiên cứu về chiến lược và sử dụng quyền lực sẽ hiểu được tầm quan trọng của cuộc cạnh tranh này ở Thái Bình Dương đối với an ninh của Đông Á và Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào sự cân bằng quyền lực.
Điều này sẽ xoay quanh sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ đang được triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương. ASEAN cần theo dõi sát sao cuộc đọ sức giữa 2 cường quốc sẽ diễn ra tại PIF.
Khối này cũng nên theo dõi cách các quốc đảo ở Thái Bình Dương phản ứng tập thể và riêng lẻ trước việc cạnh tranh cường quốc gia tăng mạnh mẽ. Liệu các nước này có thể duy trì sự thống nhất và thực hiện thành công quyền tự quyết của mình hay không?./.