Theo trang voachinese.com, tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa kết thúc, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đều cho biết sẽ đầu tư nhiều nguồn lực kinh tế hơn vào Đông Nam Á, đồng thời nâng cao tầm quan trọng của khu vực này trong các chiến lược ngoại giao của hai nước.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc căng thẳng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang đẩy mạnh cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Tại Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN ở Phnom Penh ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nâng cấp quan hệ Mỹ-ASEAN lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời gọi khu vực ASEAN là phần cốt lõi trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
[''Chìa khóa'' giúp ASEAN hóa giải những thách thức]
Ông Biden cho biết Mỹ đã đầu tư vào Đông Nam Á các nguồn lực thực sự, chứ không phải là những lời nói suông.
Mỹ đã đầu tư hơn 250 triệu USD vào ASEAN trong năm 2022 và khẳng định sẽ cung cấp 825 triệu USD vào năm 2023.
Trong khi Tổng thống Biden đưa ra nhiều cam kết kinh tế với ASEAN, thì phát biểu tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN ở Phnom Penh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cho biết Trung Quốc coi ASEAN là ưu tiên trong chính sách “ngoại giao láng giềng.”
Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2021.
Khi cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, ASEAN trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa hai nước.
Trung Quốc hy vọng củng cố quan hệ với các nước ở Đông Nam Á và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong tình hình quốc tế phức tạp.
Trong khi đó, Mỹ hy vọng sẽ thiết lập lại vị thế, tạo dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc tăng thêm sức nặng kinh tế
Theo báo chí Trung Quốc, tại mỗi điểm dừng chân trong chuyến thăm Campuchia, ông Lý Khắc Cường đều nhấn mạnh và thúc đẩy vị thế của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà tài trợ hạ tầng lớn nhất của ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN, ông tuyên bố Trung Quốc sẽ thiết lập khoản vay đặc biệt cho sự phát triển chung của hai bên, đồng thời tăng cường hợp tác phục hồi sau đại dịch.
Trung Quốc và ASEAN sẽ tận dụng cơ hội chính thức khởi động đàm phán khu thương mại tự do (FTA) 3.0 để tăng cường hợp tác thương mại.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong hợp tác đầu tư các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, tài nguyên năng lượng...
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 13 năm liên tiếp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1-10/2022, tổng kim ngạch thương mại song phương là 5.260 tỷ nhân dân tệ (743 tỷ USD), tăng 15,8%, chiếm 15,2% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc.
Trong chuyến công du 6 ngày, ông Lý Khắc Cường đã thăm chính thức Campuchia, đồng minh lâu năm của Trung Quốc ở Đông Nam Á và là nước chủ nhà của Hội nghị lần này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ phát triển quy mô lớn cho Campuchia và hai nước đã ký 18 thỏa thuận hợp tác.
Hunter Marston, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Đông Nam Á sẽ củng cố thêm ấn tượng hiện có rằng Trung Quốc đang chiếm chủ đạo về kinh tế trong khu vực. Đây là một thực tế mà không quốc gia Đông Nam Á nào có thể xem nhẹ.
Trung Quốc hy vọng rằng điều này sẽ giúp các mục tiêu địa chính trị của nước này lấn át ảnh hưởng chính trị của Mỹ.
Trung Quốc đã đưa ra một số cơ chế hợp tác kinh tế và thương mại trong ASEAN, vừa bao gồm các dự án hạ tầng thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), vừa bao gồm các thỏa thuận thương mại với các cơ chế mang tính quy tắc đặc biệt. Sự hợp tác này đã củng cố mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với khu vực và tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập khu vực thương mại tự do vào năm 2010 và cập nhật các điều khoản vào năm 2019.
Hiện tại, khu vực thương mại tự do áp dụng thuế quan bằng 0 đối với hơn 90% mặt hàng của cả hai bên.
Phiên bản 3.0 của khu vực thương mại tự do mà hai bên đang đàm phán đòi hỏi tiếp tục cắt giảm hàng rào thuế quan, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng, bao trùm thương mại điện tử và các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số khác.
Trung Quốc cũng đã tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do các nước ASEAN khởi xướng. Đây là hiệp định thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới bao trùm các nền kinh tế và dân số lớn nhất thế giới. Mỹ không phải là thành viên của RCEP.
Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, cho rằng ngoài việc củng cố sự phụ thuộc kinh tế của các nước ASEAN đối với Trung Quốc thì nước này cũng đang tìm cách ổn định chuỗi cung ứng và duy trì thị trường mở bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với ASEAN.
Theo ông, mục tiêu của Trung Quốc là khắc phục sự gián đoạn do đại dịch gây ra và tạo cơ hội xuất khẩu để hồi sinh nền kinh tế. Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang củng cố quan hệ kinh tế và khôi phục chuỗi cung ứng bị tổn hại.
Môi trường kinh tế trong nước và quốc tế hiện tại của Trung Quốc là không mấy lạc quan. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị tổn hại nghiêm trọng do chính sách “Không COVID” và cũng chịu áp lực từ các biện pháp thuế quan cũng như kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm xáo trộn thêm chuỗi cung ứng toàn cầu.
Prashanth Parameswaran, nghiên cứu viên tại Chương trình châu Á của Trung tâm Wilson, cho biết Chính phủ Trung Quốc hiểu về triển vọng phát triển của ASEAN và vai trò của khu vực này như một “đấu trường” chính cho sự cạnh tranh Mỹ-Trung.
Mỹ đang đuổi kịp
Về hợp tác kinh tế, Mỹ đang đuổi kịp Trung Quốc ở Đông Nam Á. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ chưa đầu tư hiệu quả vào ASEAN, nhưng đến nay chính quyền Tổng thống Joe Biden đang muốn chứng tỏ Mỹ là đối tác mạnh và có trách nhiệm hơn Trung Quốc.
Tổng thống Biden nhấn mạnh tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ mới đây rằng đây là hội nghị cấp cao thứ ba mà ông tham gia và là hội nghị lần thứ hai ông tham dự trực tiếp. Điều này chứng tỏ sự coi trọng của Mỹ đối với quan hệ với ASEAN cũng như cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN.
Hồi tháng Năm, ông Biden đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt với lãnh đạo các nước ASEAN tại thủ đô Washington, tuyên bố vào thời điểm đó rằng Mỹ sẽ cung cấp 150 triệu USD để tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và ASEAN.
Ông Biden cũng nhân cơ hội tại hội nghị đó để đề cử Yohannes Abraham, Chánh Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, làm Đại sứ Mỹ tại ASEAN, vị trí này đã bị bỏ trống trong 5 năm.
Cũng trong tháng, Mỹ đã khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), có sự tham gia của 7 thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, khuôn khổ này không phải là một hiệp định thương mại tự do, không bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường hay cắt giảm thuế quan, mà tập trung vào việc thiết lập các tiêu chuẩn.
Theo nghiên cứu viên Parameswaran, nước Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden nhận ra rằng hiện tại khó có thể tìm kiếm đủ sự hỗ trợ trong nước cho một hiệp định thương mại tự do hoàn chỉnh, vì vậy họ đang sử dụng IPEF làm khuôn khổ để giải quyết các vấn đề như nền kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và chính sách thuế.
Các nhà phân tích cho rằng ngoài hỗ trợ kinh tế trực tiếp, các nước ASEAN hy vọng sẽ thấy Mỹ tăng cường tham gia kinh tế trong khu vực để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong phát triển kinh tế dài hạn.
Theo Theo Jakarta Post, cuộc khảo sát do Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) công bố vào tháng 11 cho thấy người dân ở hầu hết các nước ASEAN hài lòng với những lợi ích kinh tế do hợp tác với Trung Quốc mang lại, nhưng họ cảm thấy lo lắng và mất lòng tin vào chính sách chính trị và an ninh của Trung Quốc.
Giáo sư Thayer cho rằng các nước ASEAN muốn hợp tác thương mại nhiều hơn với Mỹ và muốn nước này tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng chính quyền ông Trump đã rút lui, trong khi Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập.
Theo ông, chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra không quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do. Các nước thành viên ASEAN hy vọng rằng việc nâng tầm quan hệ ASEAN-Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ khuyến khích Mỹ quan tâm nhiều hơn đến các hiệp định thương mại tự do khu vực như RCEP và CPTPP./.