Cạnh tranh Trung-Nhật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương

RCEP là bước đi đầu tiên để mở rộng thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và bước đi tiếp theo là hướng tới FTA ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cạnh tranh Trung-Nhật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 24/11. (Nguồn: AP)

Theo Gendai Business, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand, tạo ra một “vành đai thương mại tự do rộng lớn” chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định: “Nhật Bản liên tục dẫn đầu trong việc mở rộng khu vực thương mại tự do và công bằng cũng như duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do đa phương. RCEP không chỉ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường mà còn xây dựng một hệ thống luật lệ nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định này đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tự do thương mại bất chấp tình hình kinh tế thế giới ảm đạm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy.”

Nhật Bản từng dẫn dắt tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tên gọi mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước còn lại sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là nước dẫn dắt RCEP. Trong thời gian qua, Nhật Bản đặc biệt coi trọng sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP, nhưng rồi cuối cùng, có vẻ như Tokyo phải miễn cưỡng ký kết RCEP. Dưới đây là một số phân tích cụ thể về tiến trình đàm phán RCEP dưới góc độ của Nhật Bản.

RCEP - công cụ để đối phó với TPP

Đối với Trung Quốc, các cuộc đàm phán RCEP khởi phát từ góc độ là “công cụ để đối phó với TPP”. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc vào tháng 3/2013, dưới góc nhìn của chính quyền mới, một trào lưu của liên minh Mỹ-Nhật nhằm kiềm chế Trung Quốc đã xuất hiện, trong đó TPP là minh chứng rõ nét nhất.

Ban đầu, TPP bắt nguồn từ các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) bắt đầu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2002 tại Mexico, với khởi nguồn là đàm phán giữa ba nước Singapore, New Zealand và Chile. Brunei cũng tham gia năm 2005 và đến tháng 5/2006 đã có hiệu lực tại 4 quốc gia. Khi đó, TPP thực chất chỉ là một “EPA đa phương” được ký kết giữa các nước nhỏ.

[Nhật Bản và Trung Quốc nỗ lực để sớm đưa RCEP vào thực thi]

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý của kinh tế thế giới năm 2008 là Mỹ đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính sau cú sốc Lehman Brothers.

Tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 11 năm đó, Mỹ đã chính thức xác định TPP là “cứu cánh” để khôi phục kinh tế trong nước và thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới.

Mỹ tuyên bố tham gia TPP vào ngày 22/9/2008, tức là một tuần sau “cú sốc Lehman”. Ngay sau đó, các nước Australia, Việt Nam, Peru và Malaysia cũng lần lượt tham gia đàm phán.

Tháng 11/2010, tại Yokohama, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã chủ trì cuộc họp giữa 9 quốc gia và quyết tâm hoàn tất đàm phán trong thời gian sớm nhất.

Tháng 11/2012, Canada và Mexico - hai nước đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ - cũng tuyên bố tham gia và đạt được số lượng thành viên tham gia là 11 quốc gia vào cuối năm đó.

Vào thời gian này, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thành công trong việc giành lại chính quyền cho đảng Dân chủ Tự do (LDP). Dưới thời chính quyền của LDP, ban đầu Nhật Bản tỏ ra do dự trong việc tham gia TPP vì không muốn đối mặt với sự phản đối gay gắt của tầng lớp nông dân.

Tuy nhiên, sau đó, cựu Thủ tướng Abe đã tuyên bố tham gia TPP tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Obama vào tháng 2/2013.

Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) hồi tưởng lại tình hình lúc đó như sau: “Ý tưởng của cựu Thủ tướng Abe khi đó khá tương đồng với ý tưởng của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, một chính trị gia giàu kinh nghiệm, đó là điều quan trọng nhất đối với Nhật Bản là củng cố liên minh Nhật-Mỹ bền chặt. Liên minh Nhật-Mỹ càng bền chặt, Nhật Bản càng có nhiều cơ hội duy trì vị thế là nước đứng đầu châu Á. Trên cơ sở đó, Nhật Bản coi TPP như vũ khí để củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và khẳng định quyền chủ đạo đối với kinh tế châu Á.

Vào thời điểm đó, cựu Thủ tướng Abe có quan điểm phản đối Trung Quốc rất mạnh mẽ. Chính quyền ông Abe nhiệm kỳ đầu (từ năm 2006 đến năm 2007) đã thất bại trong việc cố gắng thiết lập một 'Vòng cung tự do và thịnh vượng'', thực chất là 'mạng lưới bao vây Trung Quốc'' từ Nhật Bản đến châu Âu qua Đông Nam Á. Do đó, trong nhiệm kỳ thứ hai, cựu Thủ tướng Abe tiếp tục nỗ lực xây dựng TPP như một vũ khí quan trọng cho công cuộc bao vây Trung Quốc.”

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Mỹ vào tháng 2/2013, cựu Thủ tướng Abe đã cam kết với cựu Tổng thống Obama rằng Nhật Bản sẽ tham gia TPP ngay khi cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng Bảy kết thúc. Để kiểm soát được Hạ viện Nhật Bản, cựu Thủ tướng Abe đã lắng nghe nhiều hơn từ những người nông dân và dành được sự ủng hộ từ phía họ.

Về phần mình, Trung Quốc muốn nhanh chóng ký kết RCEP để đối phó với sức ép của Nhật Bản và Mỹ. Điểm thuận lợi nhất đối với Trung Quốc là RCEP không có sự hiện diện của Mỹ - đối thủ lớn nhất của nước này.

Kết quả là Trung Quốc đã có thể giành thế chủ động với tư cách là nền kinh tế thứ hai thế giới. Thứ bậc xếp hạng GDP giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã bị đảo ngược vào năm 2010.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Campuchia tháng 11/2011, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tuyên bố khởi động đàm phán về RCEP. Tuy nhiên, do sự xuất hiện của Trung Quốc cùng với mong muốn giành quyền chủ đạo trong đàm phán RCEP nên phải đến tháng 5/2013, vòng đàm phán đầu tiên về hiệp định này mới diễn ra tại Brunei.

Cuộc đàm phán này khó khăn hơn so với dự tính ban đầu. Quan chức METI cho biết: “Lúc này, ngoài các cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại gồm các chuyên viên cấp cao, còn có các cuộc họp của nhóm công tác về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư để thảo luận về các nội dung, lĩnh vực đàm phán. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cố gắng phân hóa các cuộc thảo luận, buộc phía Nhật Bản phải chấp nhận tự do hóa, tư nhân hóa các lĩnh vực mà doanh nghiệp cốt lõi của Nhật Bản độc chiếm. Nhật Bản đã miễn cưỡng tham gia đàm phán mà không có sự tham gia của Mỹ. Ở góc độ METI, đoàn đàm phán RCEP chính là đoàn đàm phán TPP. Do cựu Thủ tướng Abe và Bộ trưởng METI Toshimitsu Motegi đã chỉ thị ưu tiên cho TPP nên phái đoàn Nhật Bản buộc phải đặt RCEP ở vị trí thứ hai.”

Theo cách này, RCEP mà Bắc Kinh kỳ vọng lại không được Tokyo chú trọng bằng việc đàm phán và ký kết TPP. Trên thực tế, RCEP đã bị “bỏ rơi” trong khoảng 4 năm rưỡi trước khi Hội nghị Cấp cao RCEP được tổ chức lần đầu tại Philippines vào tháng 11/2017.

Bước ngoặt sau khi Mỹ rút khỏi TPP

12 nước tham gia đàm phán về TPP đã đạt được thỏa thuận vào tháng 10/2015. Trước đó một tháng, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nhật, Tổng thống Obama đã khẳng định đầy quyết đoán và vạch rõ ranh giới đối đầu với Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Abe cho biết: “Ý nghĩa của TPP là chúng ta xác định các quy tắc kinh tế thế giới chứ không phải Trung Quốc. Với TPP, Nhật Bản và Mỹ sẽ đóng vai trò dẫn dắt việc xây dựng một vùng biển tự do và thịnh vượng tại châu Á-Thái Bình Dương. TPP sẽ giúp củng cố một cách cơ bản các luật lệ quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và có ý nghĩa to lớn về mặt chiến lược.”

Ngược lại, Trung Quốc ngày càng tỏ ra thất vọng và đẩy mạnh tuyên truyền trong nước rằng TPP sẽ không được Mỹ phê chuẩn, TPP không thể làm thay đổi trật tự thương mại hiện tại, và Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng kể cả khi TPP được ký kết vì Trung Quốc có sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) và có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Lễ ký TPP được tổ chức tại New Zealand vào tháng 2/2016 và Nhật Bản đã phê chuẩn văn bản này vào tháng 12 năm đó. Tuy nhiên, TPP đã không có hiệu lực, bởi vì Tổng thống Trump, người lên nắm quyền vào ngày 20/1/2017, đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức.

Cũng từ đây, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tái khởi động đàm phán RCEP đã bị “lãng quên.” Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 11/2017 tại Philippines cùng với Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm đó.

Chính quyền của ông Abe vẫn miễn cưỡng tham gia RCEP, một phần do TPP không còn tồn tại thực sự theo ý nghĩa ban đầu. Việc Nhật Bản thực hiện chính sách “quan hệ ngoại giao độc lập với Mỹ” là điều bất thường khi CPTPP có hiệu lực mà không có dự tham gia của Mỹ.

Vào tháng 5/2017, Hội nghị Bộ trưởng TPP đầu tiên đã được tổ chức tại Việt Nam và sau nhiều khó khăn, 11 quốc gia đã tổ chức lễ ký kết CPTPP tại Chile vào tháng 3/2018.

Vào tháng 12 cùng năm, CPTPP đã có hiệu lực đầu tiên ở Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Canada và Australia, một tháng sau đó là tại Việt Nam.

Ưu thế nghiêng về Trung Quốc khi Ấn Độ rút khỏi bàn đàm phán RCEP

Sau khi đàm phán thành công TPP-11, Nhật Bản đã quay lại đàm phán RCEP. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2018, cựu Thủ tướng Abe đã nhất trí nối lại đàm phán RCEP trong thời gian sớm nhất và Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ hai đã được tổ chức một tháng sau đó. Tuy nhiên, thách thức lần này lại lớn hơn khi Ấn Độ có xu hướng đi ngược lại lập trường chung.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định: “Ấn Độ không phải là quốc gia phát triển như Nhật Bản, và nền công nghiệp của Ấn Độ cũng không phát triển như Nhật Bản. Nếu RCEP được ký kết với các điều khoản như vậy, ngành công nghiệp của Ấn Độ sẽ bị tàn phá và Ấn Độ không thể xem nhẹ làn sóng phản đối của dư luận đang tăng cao ở trong nước.”

Lúc đầu, Trung Quốc xác định nếu Nhật Bản thuyết phục Ấn Độ ở lại, sẽ phải có một thỏa thuận giữa các nước lớn. Tuy nhiên, nhân tố Ấn Độ đã tạo ra khác biệt quá lớn. Nhật Bản chủ trương RCEP phải có Ấn Độ. Nếu không có Ấn Độ, vai trò của Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn. Đây là lý do chính mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đáp chuyến bay đến Chennai, Ấn Độ, trong 2 ngày 1 đêm để đàm phán trực tiếp với Thủ tướng Modi.

Vào tháng 11/2018, Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ ba được tổ chức tại Thái Lan. Khi đó, Ấn Độ đã rút khỏi tiến trình đàm phán RCEP. Tại thời điểm này, RCEP thực sự mang lại cảm giác thất vọng.

Vai trò dẫn dắt của Mỹ-Nhật đã thay đổi

Bước vào năm 2020, đã xuất hiện “ba làn gió” giúp Trung Quốc sớm đạt được mục đích hoàn tất đàm phán RCEP.

Thứ nhất, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế của 15 quốc gia tham gia đàm phán RCEP đều suy giảm nghiêm trọng. Trong khi RCEP là “địa chỉ đỏ” được kỳ vọng sẽ giúp các nước có thể sớm khôi phục tăng trưởng kinh tế khi điều kiện để gỡ bỏ các rào cản thuế quan không cao như TPP, qua đó dễ dàng được các nước bắt tay đàm phán.

Thứ hai, trong bối cảnh ứng cử viên Joe Biden giành ưu thế trong bầu cử Tổng thống Mỹ, Nhật Bản sẽ phải tính đến sự điều chỉnh về lập trường của Mỹ từ một chính quyền của ông Trump, vốn theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và chống Trung Quốc quyết liệt, sang một chính quyền do đảng Dân chủ lãnh đạo, dường như sẽ ưu tiên thương mại tự do.

Thứ ba, Thủ tướng Abe bất ngờ từ chức và Nhật Bản bước sang thời kỳ Chính quyền của ông Suga. Các quan chức METI cho biết: “Thủ tướng Suga đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào mùa Thu tới và muốn đạt được những thành tựu ngoại giao cụ thể. Về mặt đó, RCEP được nhấn mạnh là một thành công ngoại giao mà ngay cả thời kỳ chính quyền của ông Abe cũng không đạt được. Hơn nữa, thuế suất đối với năm nhóm hàng nông sản mà Nhật Bản phải rất vất vả để bảo vệ trong tiến trình đàm phán TPP gồm: Gạo, lúa mỳ, thịt bò, các sản phẩm sữa, và đường vẫn được duy trì và tổn thất gây ra cho nền kinh tế là không nhiều.”

Như vậy, Nhật Bản cũng phải đi theo xu hướng nhanh chóng kết thúc đàm phán RCEP, và một lần nữa, cuộc đàm phán đa phương mà Nhật Bản muốn nắm vai trò chi phối đã không diễn ra như mong muốn.

Trung Quốc, quốc gia dẫn dắt các cuộc đàm phán RCEP, đã làm theo phương pháp TPP-11 đó là để ngỏ cơ hội cho Ấn Độ có thể tham gia bất cứ lúc nào. Như vậy, tiến trình đàm phán về RCEP đã chính thức khép lại khi các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng sau 8 năm.

Trung Quốc tận dụng khoảng trống quyền lực ở Mỹ

Tại Trung Quốc, vào ngày RCEP được ký kết, tin tức về việc kết thúc tiến trình đàm phán RCEP đã được truyền đi nhanh chóng. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Trương Kiến Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại, giải thích: “Đặc trưng của RCEP là có quy mô lớn về kinh tế. Theo thống kê năm 2018, 15 quốc gia tham gia RCEP có tổng dân số 2,3 tỷ người, chiếm 30% tổng dân số thế giới, và GDP tổng cộng hơn 25.000 tỷ USD. Hiện nay, đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA - phiên bản nâng cấp của Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ) và Liên minh châu Âu (EU).

Hơn nữa, thành viên của RCEP lại bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển nên tiềm năng phát triển là rất lớn. RCEP lại bao trùm phạm vi rộng lớn gồm cả thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại trực tuyến, tiền tệ, điện tử viễn thông… Điều này sẽ đóng góp vào sự phát triển của khu vực và cạnh tranh bình đẳng hơn so với các hiệp định thương mại truyền thống.”

Cũng theo CCTV, RCEP là bước đi đầu tiên để mở rộng thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và bước đi tiếp theo là hướng tới FTA ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng điều này sẽ giúp hiện thực hóa “giấc mơ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2014 ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, rõ ràng đã có hai giấc mơ khác nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản theo kiểu “đồng sàng dị mộng.” CCTV đã không nói đến tiếng “thở phào nhẹ nhõm” của Trung Quốc khi RCEP được ký kết. Bởi vì, cùng với chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, tiến trình chia tách kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy.

Nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chính quyền của ông có thể sẽ đưa ra những điều chỉnh liên quan đến chủ trương trong quan hệ với Trung Quốc hoặc cũng có thể đi theo lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất RCEP cũng cho thấy vai trò như là “con đê bảo vệ” trước chính sách cứng rắn của Mỹ nói chung.

Ở góc độ của Trung Quốc, nước này sẽ có hai tháng “khoảng trống,” tính từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (3/11/2020) đến khi chính quyền sau bầu cử chính thức ra mắt (20/1/2021), và Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa khi không có sự can thiệp của Mỹ. RCEP là một thành quả trong số đó.

Điều cuối cùng tác giả muốn đề cập là tầm quan trọng của ASEAN đối với Trung Quốc. Năm đối tác thương mại chính của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là ASEAN chiếm 14,68% kim ngạch thương mại; EU 14%; Mỹ 11,54%; Nhật Bản 7,24%; và Hàn Quốc 6,48%.

Trong số này, đáng chú ý là các vị trí thứ 1, 4 và 5 đã được RCEP đảm nhận. Còn Nhật Bản và Hàn Quốc với tư cách là đồng minh của Mỹ có thể sẽ có xu hướng tách khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng một khi ASEAN xây dựng hệ thống ràng buộc lẫn nhau hơn nữa thông qua RCEP, sự tách rời đó sẽ khó xảy ra.

Trong khi đó, đối với ASEAN, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất trong 11 năm liên tiếp và khối này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Dù thế nào đi nữa, có thể nói, RCEP là hệ quả sự thất bại của Mỹ ở châu Á và xu hướng này có thể sẽ còn tái diễn ở nhiều nơi khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục