Càphê xuất khẩu gặp khó do giá thất thường

Giá càphê xuất khẩu trong nửa đầu năm biến động thất thường nên kim ngạch xuất khẩu càphê của Việt Nam giảm trên 12%, chỉ đạt 1,1 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá càphê xuất khẩu trong nửa đầu năm liên tục biến động thất thường, chủ yếu theo chiều đi xuống, hiện đã giảm xấp xỉ 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Bởi vậy, lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam dù đã tăng khá trong 6 tháng qua, đạt 741 ngàn tấn, tăng trên 23% nhưng kim ngạch vẫn giảm trên 12%, chỉ đạt 1,1 tỷ USD.
 
Thị trường xuất khẩu cũng có sự thay đổi, Bỉ trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều nhất càphê Việt Nam thay vì Đức như nhiều năm qua, tiếp đến mới là Đức và Hoa Kỳ.
 
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau xu hướng tăng khá mạnh từ đầu tháng 6, nhiều phiên giao dịch đã vượt ngưỡng 1.570 USD/tấn, giá càphê thê giới đã theo một diễn biến chưa từng có tiền lệ là giảm giá tới gần 70 USD/tấn chỉ trong một đêm 15/6 tại sàn giao dịch London.
 
Ngay tức khắc, giá xuất khẩu càphê tại Việt Nam và giá thu mua cà phê của nông dân tại vườn cũng bị kéo xuống, giảm khoảng 800 đồng/kg so với tuần trước đó.
 
Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (Vicofa) vừa đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp càphê hết sức thận trọng trước những biến động khó đoán của thị trường càphê thế giới thời gian này.
 
Giới kinh doanh càphê cũng đang lo ngại “trở tay không kịp”, nhất là những doanh nghiệp đã vay số tiền lớn đầu tư “may rủi” với càphê, khi giá cả biến động biên độ lớn trong một thời gian ngắn như vậy.
 
Để giảm thiểu rủi ro trong việc ký hợp đồng xuất khẩu càphê 6 tháng cuối năm, Vicofa khuyên các doanh nghiệp cần đánh giá sát thị trường và có sự phối hợp để chia sẻ thông tin kịp thời.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tăng đầu tư chiều sâu cho khâu chế biến như tách màu, rang và chế biến càphê hòa tan thay vì chỉ chế biến thô như hiện nay.
 
Về phía cơ quan chủ quản, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp giảm các khâu trung gian trong xuất khẩu càphê để cung cấp sản phẩm tới tay những người tiêu dùng nhằm giảm thiểu áp lực biến động thị trường và tăng thêm lợi nhuận trực tiếp cho doanh nghiệp.
 
Việt Nam hiện có khoảng 500.000 ha càphê, đứng đầu thế giới về sản lượng càphê vối. Vẫn xác định càphê là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực, Việt Nam đặt mục tiêu thu được khoảng 1,6 tỷ USD từ mặt hàng này trong năm nay./.
 
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục