Tại sao giá vàng vẫn "nhảy múa" chóng mặt dù đã có các phiên đấu thầu?

Các chuyên gia cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng.

Giá vàng SJC nhảy nhót chóng mặt. (Ảnh: Vietnam+)
Giá vàng SJC nhảy nhót chóng mặt. (Ảnh: Vietnam+)

Giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bất chấp động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng lượng cung. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới vì thế ngày càng giãn rộng, không phản ánh đúng quy luật thị trường.

Điều này đã làm dấy lên những lo ngại rằng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục dù Thủ tướng đã liên tục yêu cầu các cơ quan chức năng cần có các biện pháp để "hạ nhiệt" thị trường.

Tại sao chỉ có vàng SJC tăng giá mạnh?

Đó là câu hỏi của rất nhiều người dân tại thời điểm này khi nhìn giá vàng SJC liên tục “nhảy nhót.” Mở cửa phiên 10/5, giá vàng SJC tăng mạnh thêm 1 triệu đồng/lượng lên mức 88,9-91,2 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 5 triệu đồng/lượng so với phiên đầu tuần (6/5). Đây là mức cao nhất mọi thời đại và cao hơn giá vàng thế giới đến 18,5 triệu đồng/lượng.

Chiều qua, tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội, người dân xếp hàng dài chờ giao dịch bất chấp trời mưa to. Các đơn vị kinh doanh vàng phải giới hạn số lượng mỗi người được mua chỉ vài chỉ, thậm chí yêu cầu khách trình thêm căn cước công dân. Phần lớn người dân vẫn tới mua vàng vì lo ngại giá còn cao hơn nữa.

Trong khi đó, một số người dân lại tranh thủ đi bán vàng chốt lời do đã mua trước đây giá thấp. Cửa hàng vàng ghi nhận một số cá nhân đi bán vàng với số lượng nhỏ, thậm chí mới mua cách đây vài ngày. Bên cạnh đó, một số khách hàng tới tham khảo, nghe ngóng chưa mua vàng vì giá đã lên quá cao.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang “một mình một chợ,” nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo khách hàng nên thận trọng đầu tư vì rủi ro rất lớn.

Việc giá vàng SJC tăng không ngừng nghỉ khiến ngày càng nhiều người hoài nghi về hiệu quả của đấu thầu vàng miếng trong việc hạ nhiệt giá thương hiệu vàng này, thu hẹp chênh lệch với vàng quốc tế như mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra.

Theo chuyên gia, việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, mà thậm chí còn kích hoạt tâm lý tăng giá. Giá vàng trong nước những ngày qua vẫn tăng, khoảng cách với vàng quốc tế tiếp tục giãn ra, điều đó có nghĩa không có bất cứ thay đổi nào về nguồn cung.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400-500 lượng vàng, thay vì 700-1.400 lượng như hiện nay, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá còn cao.

Tiễn sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho biết về nguyên tắc, người đấu thầu quyết định về giá và người mua thầu quyết định về số lượng và ngược lại. Trong khi đó, các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước lại rất "lạ".

"Không bao giờ có chuyện người đấu thầu quyết định cả về giá và số lượng," ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng chỉ ra mục đích của Ngân hàng Nhà nước là giảm giá vàng. Để làm được điều này thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 72 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 72 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 72 triệu đồng/lượng và bán ra 73 triệu đồng/lượng, trong khi giá tham chiếu đưa ra đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước lại quá cao...

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhận định trong bối cảnh hiện tại, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng có vẻ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, khi mà các phiên đấu thầu liên tục bị hủy do thiếu sự tham gia của các đơn vị. Điều này cho thấy có một sự không tương xứng giữa cung và cầu trên thị trường vàng, cũng như có thể phản ánh những bất cập trong cơ chế tổ chức đấu thầu.

Để cải thiện tình hình, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Ngân hàng Nhà nước có thể cần xem xét lại các điều kiện tham gia đấu thầu, mức đặt cọc và cách thức công bố thông tin đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại mức giá sàn và cơ cấu phiên đấu thầu cũng có thể cần được xem xét để phản ánh chính xác hơn tình hình cung cầu và diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế.

vang.12.jpg
Nhiều người xếp hàng tranh thủ đi mua bán vàng. (Ảnh: Vietnam+)

Một số biện pháp Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét áp dụng để tăng hiệu quả của các phiên đấu thầu vàng bao gồm việc tăng cường công tác thông tin và truyền thông, đảm bảo rằng các đơn vị đủ điều kiện đều hiểu rõ về quy trình và lợi ích của việc tham gia đấu thầu.

Các chuyên gia cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc việc mở rộng danh sách các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, hoặc thậm chí là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp lý. Việc tăng cường minh bạch trong quy trình đấu thầu và cung cấp dữ liệu thị trường một cách công khai và định kỳ cũng sẽ góp phần tạo niềm tin cho thị trường vàng.

Sửa gấp Nghị định 24

Tuy nhiên, các giải pháp trên mới chỉ là tình thế. Việc cần làm về lâu dài, theo các chuyên gia là cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa Nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể sẽ lại tiếp tục lập kỷ lục mới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần sửa quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và bỏ việc công nhận SJC là thương hiệu vàng miếng chuẩn quốc gia. Bởi lẽ, đây là nguyên nhân chính làm cho giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới kéo dài thời gian qua.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Việc này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn.

phuquyvang.jpg
Chuyên gia kiến nghị cần sửa gấp Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng. (Ảnh: Vietnam+)

Để thị trường vàng trở nên minh bạch hơn, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng nên áp dụng ngay việc xuất hóa đơn khi mua bán vàng. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt rõ hơn lượng cung cầu trên thị trường, nguồn gốc vàng và hạn chế tình trạng đầu cơ.

"Từ trước đến nay chúng ta mới đánh thuế doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng, nhưng chủ yếu dựa trên số liệu tự khai, khó kiểm soát được. Từ kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, nên bắt buộc mua bán vàng phải xuất hóa đơn. Đối với những người kinh doanh có doanh thu, có thu nhập phải đóng thuế, như vậy sẽ hạn chế được việc đầu cơ vàng," ông Thịnh nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng đấu thầu vàng không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.

"Bằng cách này, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới liên thông ngay. Bởi vì các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu vàng từ Singpore, HồngKông, Thái lan về đây quá nhanh," ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, mặc dù giá vàng tăng "điên đảo" thời gian vừa qua, nhưng không có chuyện "vàng hóa" như nhiều người lo ngại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục