Cầu thủ tuổi Dần - Ai mới là con hổ thực sự?

Tết Canh Dần tới, báo chí lại "rục rịch" xếp đội hình cầu thủ năm tuổi, nhưng liệu trong các cầu thủ tuổi Dần, ai mới thực sự là hổ?
Chúng ta lâu nay vẫn đi tìm một đội hình năm tuổi, hoặc kỳ công hơn, "xem bói" cho các cầu thủ năm tuổi khi Tết tới, rồi xếp đội hình. Năm Dần có lẽ ai cũng nghĩ ngay tới những cầu thủ như Thanh Bình, Quý Sửu, Tiến Thành, Ngọc Duy (sinh năm 1986).

Trò chuyện với các cầu thủ lúc trà dư tửu hậu, họ cứ nắc nẻ cười. Gặng hỏi tại sao, họ bèn hỏi ngược lại, rằng nếu chúng tôi tiết lộ cho anh biết một hoặc đa phần các cầu thủ ấy không sinh năm 1986, thì sao?

Hỏi đúng. Rất khó trả lời. Bóng đá Việt Nam từ bao năm qua đã "lừa" lẫn nhau chuyện tuổi tác. Cách nay gần chục năm, khi bóng đá nhi đồng lên cơn sốt, "nhi đồng cụ" trở thành hội chứng, khi hàng loạt các cầu thủ trẻ quá tuổi được làm lại hồ sơ giấy tờ để đá bóng lấy thành tích cho tỉnh. Thanh lọc không hết. Phát hiện không xuể. Rất nhiều cầu thủ đá lứa tuổi "U" bị điểm mặt, giờ đây vẫn đang chơi bóng ở hạng Nhất, V-League và cả các đội tuyển quốc gia với cái tuổi nghi vấn này.

Trở lại với bản danh sách những cầu thủ tuổi Dần mà báo chí liệt kê trong những ngày này, xếp đội hình không hết, thậm chí có cả đội hình chính và đội hình dự bị. Nhưng e ngại trong ấy có cả những cầu thủ thực ra là Sửu, Tý, Hợi, Tuất đội lốt Hổ! Là ai thì thật khó nói.

Đã từng có những người hỏi Quý Sửu, rằng tuổi Bính Dần sao lại tên Sửu. Câu trả lời thế này, nó chỉ là cái tên và hoàn toàn không giống như những người được cha mẹ sinh năm nào thì được đặt tên theo năm đó cho dễ nhớ. Ngày trước, nhiều gia đình Việt Nam đông con, lại chưa có thói quen ghi chép và ít làm giấy khai sinh, thường đặt tên con cái theo năm sinh để dễ nhớ là khá phổ biến.

Thanh Bình cũng là trường hợp mà người ta bảo anh không thể là Bính Dần, vì cái sự chững chạc ở tính cách, sự trưởng thành về hình thể và độ chín về chuyên môn như thế phải là thế hệ cầu thủ lớn hơn khá nhiều. 17 tuổi (SEA Games 2003), Thanh Bình chơi bóng hay hơn cả thời anh 23 tuổi (SEA Games 2009) đã sớm có dấu hiệu cằn cỗi.

Mở rộng ra hơn những cầu thủ không có giấy tờ ghi tuổi Bính Dần nói trên, cũng nhiều trường hợp cho thấy không nên xem tuổi cầu thủ vào mỗi dịp Tết. Ở đội U19 Việt Nam mới đây, có một cầu thủ chạy cách tên Q. đến từ một đội bóng phía Bắc chơi bóng với sự chững chạc vượt trội, thực sự là cánh chim đầu đàn.

Giới cầu thủ lại tủm tỉm cười: "Nó nhiều hơn đám còn lại 2-3 tuổi, đá sao không hay". Rồi một cầu thủ từng thuộc thành phần Thể Công mới đây đã chuyển sang một đội bóng Thủ đô. 7-8 năm về trước, cầu thủ này tung hoành ở giải U15 toàn quốc và mấy mùa liền đều giành chức Vua phá lưới, nhưng giờ đây, khi thử sức ở những giải đấu không có giới hạn độ tuổi, anh  chỉ trung bình khá.

Vấn nạn khai gian tuổi, cải lão hoàn đồng ở bóng đá Việt Nam ít nhiều cũng đã suy giảm, nhưng chưa hết tận gốc. Căn bệnh thành tích vẫn còn đó và nó chính là mầm mống của những câu chuyện dở khóc dở cười khi báo chí xếp đội hình năm tuổi vào mỗi dịp Tết.

Không biết, tới năm Nhâm Dần (2022), báo chí và người hâm mộ có thể thoải mái xếp đội hình cho các cầu thủ sinh năm Nhâm Dần (1998) mà không sợ bị "hớ"?/.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục