Cây bông vải-chìa khóa thoát nghèo cho Tây Bắc

Với thị trường tiêu thụ rộng, hợp điều kiện tự nhiên trong vùng, cây bông khi được kỳ vọng là giải pháp xóa đói nghèo cho vùng Tây Bắc.
Luôn đứng nhất, nhì trong số các mặt hàng mang về kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, với 9,1 tỷ USD năm 2009 và khoảng 10,5 tỷ USD năm 2010, nhưng ngành dệt may đang đối diện với một thực tế tỷ lệ hàng gia công lớn, giá trị nội địa hóa chỉ ở mức 30-40%.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do Việt Nam chưa đủ nguyên liệu bông trong nước, mới  đáp ứng được khoảng 2-5%, theo tính toán của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hàng năm, ngành dệt may phải nhập khẩu một lượng bông lớn từ Mỹ, Ấn Độ, Châu Phi và một số nước khác.

Thời gian gần đây, giá bông trên thị trường thế giới đã liên tục tăng cao và được đánh giá là cao nhất trong vòng 140 năm qua, với mức gần 4USD/kg. Điều này tác động không nhỏ đến giá cả nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam, vì vẫn lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Nhằm khắc phục tình trạng này, chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với một trong 3 chương trình lớn là phát triển diện tích trồng cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, có thể bảo đảm được 60.000 tấn, đáp ứng 20% nguyên liệu bông xơ cho ngành dệt may.

Thực hiện chương trình này sẽ không chỉ nhằm chủ động một phần nguyên liệu nội địa cho ngành dệt may mà còn là giải pháp mang lại thu nhập bền vững cho bà con nông dân ở những vùng trồng bông.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Tình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh việc phát triển cây bông ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

- Ông có thể đưa ra nhận định về sản xuất bông trong nước và thị trường tiêu thụ loại mặt hàng này?

Ông Lê Trọng Tình: Trước tiên, phải khẳng định rằng thị trường bông trong nước là rộng lớn. Với tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam bình quân trên 20%/năm, nhưng hàng năm ngành vẫn phải nhập khẩu trên 200.000 tấn bông xơ để phục vụ sản xuất. Vì vậy, người trồng bông không phải lo đầu ra dư thừa như một số sản phẩm nông nghiệp khác.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, cây bông vải là loại cây giúp bà con xóa đói giảm nghèo vì mỗi vụ từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 5 tháng, trong khi cây cao su chẳng hạn, phải mất từ 7-8 năm.

Hiện nay, diện tích trồng cây bông vải đã lên tới 7.000 héc ta và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

- Những ưu việt nào của cây bông vải khi được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc, theo ông?

Ông Lê Trọng Tình: Theo tôi, điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng ở các tỉnh vùng Tây Bắc tỏ ra phù hợp với cây bông vải. Đây cũng là vùng có truyền thống trồng bông, dệt vải từ lâu đời và thích hợp để cây bông vải phát triển.

Nhưng trên thực tế, bà con vùng này mới chỉ trồng ngô là chủ yếu, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, giá ngô lại thấp, nên đời sống người dân không ổn định.

Đó là chưa kể khí hậu biến đổi khiến thời tiết khô hạn bất thường trong vài năm nay càng làm  giảm hiệu quả canh tác ngô.

Nếu trồng bông, với năng suất đạt khoảng 2 tấn/héc ta, giá tiêu thụ bông khoảng 10.000 đồng/kg thì  mỗi hécta sẽ thu được khoảng 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, bông còn là cây chịu hạn rất tốt.

- Vậy thực tế phát triển cây trồng này ở vùng Tây Bắc ra sao, thưa ông?

Ông Lê Trọng Tình: Cây bông vải đã được đưa vào trồng thí điểm khoảng 2-3 năm nay. Năm vừa rồi, bông được trồng khoảng 2.000 héc ta chủ yếu ở Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang với những giống bông lai thế hệ mới như VN01-2, VN04-3. Giống này có đặc điểm là kháng được sâu xanh, rầy xanh, hai loại sâu chủ yếu làm hại cây bông nên người nông dân rất an tâm.

Nếu phát triển bền vững diện tích trồng bông tại các tỉnh miền núi Tây Bắc thì tôi tin rằng giá trị gia tăng của cây bông là rất lớn. Lợi ích xã hội do cây bông mang lại cũng là rất lớn.

Tuy nhiên, để người dân mặn mà với loại cây trồng này phải tăng đầu tư, bởi thực tế bà con nông dân còn nghèo, chưa đủ điều kiện bỏ vốn đầu tư. Chi phí ban đầu cho mỗi hécta bông khoảng 2 triệu đồng.

Do vậy, doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón và các điều kiện khác cho nông dân trồng bông và cuối vụ tính vào bông thu hoạch sẽ là một giải pháp tốt thay vì thả nổi cho người dân trồng tự phát, sản lượng và chất lượng bông không cao.
 
Về phần mình, Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp sẽ cung cấp giống và cử cán bộ chuyên môn tư vấn kỹ thuật cho cả người trồng và doanh nghiệp.

- Về lâu dài, theo ông, giải pháp nào để cây bông vải phát triển bền vững và thực sự là chìa khóa xóa đói nghèo và làm giàu cho nông dân vùng Tây Bắc?

Ông Lê Trọng Tình: Để phát triển bền vững thì phải đầu tư đồng bộ và có sự vào cuộc của 4 nhà, gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Không thể quay lại kiểu sản xuất tự cung tự cấp.

Doanh nghiệp lo phần vốn đầu tư, các nhà khoa học trợ giúp về kỹ thuật và nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ lại cho doanh nghiệp, xây dựng quỹ hỗ trợ rủi ro phòng ngừa cho doanh nghiệp và cho người dân, sau đó giúp doanh nghiệp và người dân tìm thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững.

Về phần địa phương, cần có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu bông; xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất bông, xây dựng các khu công nghiệp chế biến các sản phẩm của cây bông như cán bông, kéo sợi, ép dầu...

Điều quan trọng hơn cả là nhà nước sớm tạo nguồn vốn bình ổn giá để khi giá bông thế giới có xuống thấp thì vẫn có thể chỉ đạo các đầu mối thu mua giá sàn cho nông dân, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đồng thời đưa cây bông vải vào cơ cấu cây trồng có chính sách hỗ trợ nông dân trong các chương trình của Chính phủ thời gian tới.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục