CEO BandLab: Trí tuệ nhân tạo không 'giết chết' sự sáng tạo của con người

Gần đây, nền tảng BandLab đã tích hợp công cụ tạo nhạc AI có tên là SongStarter, tạo ra ý tưởng về bài hát dựa vào những gợi ý về thể loại, âm điệu, nhịp độ và lời bài hát.

(Nguồn: BandLab)
(Nguồn: BandLab)

Những nhạc sỹ trên khắp thế giới lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ "giết chết" tính sáng tạo của nghệ thuật âm nhạc, song Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng nổi tiếng BandLab, ông Meng Ru Kwok, cho rằng giới phê bình đang có nhìn nhận sai lầm về điều này.

BandLab, có trụ sở tại Singapore, là một nền tảng phân phối và là “phòng thu” âm nhạc trực tuyến gần như miễn phí, thu hút hơn 100 triệu lượt người dùng đăng ký.

Gần đây, nền tảng này đã tích hợp công cụ tạo nhạc AI có tên là SongStarter, tạo ra ý tưởng về bài hát dựa vào những gợi ý về thể loại, âm điệu, nhịp độ và lời bài hát. Một tính năng AI mới khác đang được triển khai là Voice Cleaner được tạo ra để nâng cao chất lượng thu âm.

Đối với nhà sáng lập và là CEO BandLab Meng Ru Kwok, AI không thể thay thế một nhạc sỹ thực thụ. Trong một cuộc phỏng vấn, doanh nhân này khẳng định SongStarter không cố thay thế sự sáng tạo của con người, không giống như máy bán hàng tự động mà người dùng bấm “một nút ảo thuật” rồi bài hát sẽ hiện ra. Người dùng vẫn cần vận dụng tính sáng tạo để xây dựng dựa trên nền tảng đó.

Ông Meng nhận định: “Định nghĩa về nhà sáng tạo âm nhạc sẽ thay đổi. Cũng giống như trước đây, không ai nghĩ mình là nhà quay phim hay nhiếp ảnh gia. Ngày nay, với điện thoại di động, mỗi người đều là một nhiếp ảnh gia bình thường."

CEO của BandLab mong muốn những người chỉ trích AI xem công nghệ này không phải là “dấu chấm hết” đối với khả năng sáng tạo, mà là một công cụ nâng cao tính sáng tạo của con người. Theo ông, có nhiều kịch bản xấu nhất cho mỗi loại đổi mới công nghệ, nhưng AI là sự tiến bộ về công nghệ.

Ông lấy ví dụ máy hát đĩa từng là công nghệ mới khiến các nhạc sỹ dấy lên lo ngại đó sẽ là dấu chấm hết cho các buổi biểu diễn trực tiếp.

Những người ủng hộ các ứng dụng như BandLab cho rằng các ứng dụng này đã “cách mạng hóa” ngành âm nhạc khi cho phép các nghệ sỹ trở thành những nhà sản xuất và đưa những bản thu nhạc với chi phí thấp vào các bảng xếp hạng.

Có thể kể đến một trong những thành công lớn nhất của BandLab là nghệ sỹ người Mỹ D4vd (tên thật là David Burke). Bài hát "Romantic Homicide" của anh được thu hoàn toàn bằng ứng dụng và chỉnh sửa âm thanh trong tủ đồ của chị gái, gần đây đã vượt 1 tỷ lượt phát trên Spotify.

Tuy nhiên, nhiều nhạc sỹ lo ngại AI sẽ được sử dụng để giả giọng và âm thanh, do đó các nghệ sỹ chuyên nghiệp sẽ càng khó trụ vững hơn trong một ngành cạnh tranh khốc liệt như âm nhạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục